Startup may đồ thể thao giá 165.000 đồng/bộ muốn gọi vốn 15 tỷ: Shark Hưng nghi ngờ các chỉ số kinh doanh, Shark Bình vội vã tăng định giá công ty lên 100 tỷ đồng

Startup may gia công đồ thể thao Riki Sport vừa lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn 15 tỷ đồng. Mới bước chân vào mảng bán lẻ trên nền tảng TMĐT 3 tháng, không trình bày số liệu kinh doanh năm 2024, số liệu tương lai của startup thì Shark Hưng tuyên bố "không tin tưởng lắm". Dù lo ngại sức cạnh tranh từ hàng giá rẻ Trung Quốc, Shark Bình vẫn vội ra deal nâng định giá công ty thêm 66%, lên 100 tỷ đồng.

Startup may đồ thể thao giá 165.000 đồng/bộ muốn gọi vốn 15 tỷ: Shark Hưng nghi ngờ các chỉ số kinh doanh, Shark Bình vội vã tăng định giá công ty lên 100 tỷ đồng- Ảnh 1.

Startup bán đồ thể thao 165.000 đồng/bộ lên Shark Tank gọi vốn 15 tỷ đồng

Riki Sport là đơn vị may thương hiệu trang phục thi đấu thể thao, bắt đầu với sản phẩm chủ lực là đồ thi đấu bóng đá.

Trên Shopee, gian hàng Riki Sport mở cách đây khoảng 1 năm, có hơn 900 người theo dõi. Giá bán phổ biến ở mức 145.000 - 165.000 đồng/bộ bóng đá, bóng chuyền, đồ thể thao trẻ em giá 130.000 đồng/bộ.

Startup may đồ thể thao giá 165.000 đồng/bộ muốn gọi vốn 15 tỷ: Shark Hưng nghi ngờ các chỉ số kinh doanh, Shark Bình vội vã tăng định giá công ty lên 100 tỷ đồng- Ảnh 2.

Lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, Vũ Như Yến – CEO Riki Sport cho biết, trước năm 2019, thị trường đồ thi đấu bóng đá hoàn toàn không có khái niệm thương hiệu Việt.

"Tuy nhiên, ngày nay hơn 95% sản phẩm thấy trên sân cỏ mang thương hiệu Việt, điển hình như Riki, chúng tôi đã góp phần làm thay đổi thói quen người tiêu dùng với bộ môn thi đấu bóng đá", Yến nói.

Tầm nhìn của Riki Sport là phát triển thành doanh nghiệp cung cấp trang phục thi đấu thể thao hàng đầu Việt Nam với mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng năm 2025, 300 tỷ đồng 2026, và tỷ suất biên lợi nhuận đạt trên 17%.

CEO của Riki Sport cho biết hoàn toàn tự tin với mục tiêu này vì thị trường trang phục thi đấu thể thao đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ do nhận thức người dân ngày càng muốn nâng cao sức khỏe. Trong khi, Riki Sport có gần 10 năm kinh nghiệm sản xuất trang phục thể thao trong và ngoài nước để đáp ứng điều này.

Sản phẩm Riki Sport được sản xuất khép kín, chỉ riêng phần may là gia công từ các hộ kinh doanh để có thể giảm bớt giá thành và vải được nhập từ các công ty vải trong nước. Kênh phân phối chính là B2B (business to business – doanh nghiệp bán hàng tới doanh nghiệp), hiện tại có 6 nhà phân phối gồm 1 nhà phân phối ở miền Bắc, 4 nhà phân phối ở TPHCM, bản thân Riki Sport là kho tổng và cũng chính là một nhà phân phối.

Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, Riki Sport gọi vốn 15 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty, hướng đến mục tiêu bùng nổ doanh thu, đưa thương hiệu Riki Sport đi xa hơn nữa, chiếm lĩnh thị trường khi có các cá mập đồng hành.

Startup mới tập bán lẻ, Shark Hưng không tin tưởng, Shark Bình vội tranh ra deal, khoe bản thân có thể quảng bá cho trang phục

Startup may đồ thể thao giá 165.000 đồng/bộ muốn gọi vốn 15 tỷ: Shark Hưng nghi ngờ các chỉ số kinh doanh, Shark Bình vội vã tăng định giá công ty lên 100 tỷ đồng- Ảnh 3.
Startup may đồ thể thao giá 165.000 đồng/bộ muốn gọi vốn 15 tỷ: Shark Hưng nghi ngờ các chỉ số kinh doanh, Shark Bình vội vã tăng định giá công ty lên 100 tỷ đồng- Ảnh 4.

Theo chia sẻ của Yến, gần đây Riki Sport mới tìm hiểu về thương mại điện tử. Tuy nhiên, Yến cho biết mặt hàng của startup này "hơi khó" trên TikTok vì quy định phải giao hàng trong 24h, mà các đơn in ấn nếu ship trong vòng 24h thì khó kiểm soát.

Trả lời Shark Minh Beta về kế hoạch trong thời gian tới để phát triển mạng lưới kênh phân phối, Riki Sport cho biết sẽ dùng 50% số tiền được đầu tư để mở rộng danh mục sản phẩm cũng như phát triển kho ở miền Bắc cũng như miền Trung để có thể tiếp cận gần hơn các đại lý .

Shark Thái cho rằng Riki Sport nên nhân rộng mô hình gia công đang làm, đồng thời hãy tập trung làm thương hiệu. Ông ra deal 15 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần và sẵn sàng chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm về làm thương hiệu cho startup.

"Với sự cạnh tranh của thương mại điện tử trực tiếp D2C (direct-to-consumer - bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng) bạn sẽ bị đe dọa từ hai phía là startup sản xuất bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng và hàng thương mại điện tử xuyên biên giới giá trị thấp trực tiếp từ Trung Quốc".

Startup may đồ thể thao giá 165.000 đồng/bộ muốn gọi vốn 15 tỷ: Shark Hưng nghi ngờ các chỉ số kinh doanh, Shark Bình vội vã tăng định giá công ty lên 100 tỷ đồng- Ảnh 5.

"Để phát triển, bạn phải chuyển đổi mô hình dần và mô hình mà tôi luôn tư vấn cho các startup là phải D2C, phải tiến đến bán lẻ. Tất nhiên D2C cũng có nhiều cách, bạn sẽ không thể D2C mà cạnh tranh trực tiếp đến các nhà phân phối cho mình mà bạn phải tạo ra một thương hiệu khác, mẫu mã khác làm sao không đụng hàng giữa 2 kênh", Shark Bình nói và muốn rót 15 tỷ đồng đổi lấy 25%.

"Tôi chơi thể thao rất nhiều, các thương hiệu quần áo thể thao có thể tận dụng hình ảnh của tôi khi chơi thể thao để truyền thông. Rất nhiều giá trị. Tôi nghĩ là bạn cần tôi", Shark Bình nói thêm.

Shark Hưng cũng tham gia, đưa ra đề nghị 15 tỷ đồng chỉ lấy 15% cổ phần, kèm ràng buộc phải đạt KPI về doanh thu và lợi nhuận. Nếu không đạt, startup buộc phải mua lại cổ phần của Shark với mức lợi nhuận lũy kế bằng 3,5 lần so với lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước công bố hàng năm.

"Mục tiêu ngắn hạn của em đến hết năm 2025 sẽ phủ rộng danh mục sản phẩm mà thị trường Việt Nam đang phát triển như môn cầu lông, môn pickleball... Song song đó, phát triển nhánh hàng riêng để xâm nhập thị trường bán lẻ và từ đó định vị thương hiệu nhiều hơn trên thương mại điện tử, và sự lan tỏa này sẽ thúc đẩy ngược lại kênh đại lý phát triển. Về lâu dài, sẽ phát triển song song hai kênh", Yến chia sẻ thêm.

"Rất nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam khi cứ đắm đuối với sản xuất và gia công mãi, số phận của họ so với H&M, Zara ra sao? Tôi rất ủng hộ bạn đi theo hướng ấy", Shark Bình nói và nhận định hướng đi của Riki Sport hoàn toàn "tâm đầu ý hợp" với chiến lược của ông.

Vị cá mập công nghệ nhanh chóng thay đổi deal thành 15 tỷ đồng cho 15% cổ phần kèm yêu cầu startup dành 1/3 tâm sức để phát triển kênh D2C trong đó có sự phối hợp của hệ sinh thái Next Commerce của Shark Bình. 

Với cấu trúc deal mới, định giá công ty tăng lên 100 tỷ đồng thay vì 60 tỷ đồng như offer trước đó của cá mập NextTech. Sau khi thảo luận với đồng sáng lập, Riki Sport chốt nhận deal từ Shark Bình.

Bình An

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT