Sữa Quốc tế LOF muốn vay ngân hàng 2.100 tỷ đồng

Sữa Quốc tế LOF vừa thông qua kế hoạch vay 2.100 tỷ đồng từ ngân hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và phát triển sản xuất kinh doanh.

Sữa Quốc tế LOF muốn vay ngân hàng 2.100 tỷ đồng- Ảnh 1.

Sữa Quốc tế LOF muốn vay ngân hàng 2.100 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (MCK: IDP) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT số 09.2024/NQ-HĐQT.LOF về phương án kinh doanh, việc vay vốn, thế chấp tài sản và ký các hợp đồng/giao dịch tại 3 ngân hàng lớn.

Cụ thể, HĐQT IDP đã thông qua kế hoạch vay vốn lớn từ 3 ngân hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2024-2025.

Cụ thể, Sữa Quốc tế LOF sẽ vay 600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam CN Phú Nhuận (Vietcombank), 700 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - CN Bến Nghé (BIDV) và 800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN TP.HCM (VietinBank).

Tổng hạn mức vay đạt 2.100 tỷ đồng, được sử dụng để bổ sung vốn lưu động, phát hành thư tín dụng (LC) và bảo lãnh phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa và từ sữa giai đoạn 2024-2025.

Tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán, trả nợ của công ty tại 3 ngân hàng trên là các hợp đồng tiền gửi thuộc sở hữu của IDP/thành viên góp vốn/Bên thứ 3, trái phiếu, máy móc thiết bị, bất động sản,...

Về Sữa Quốc tế LOF, doanh nghiệp này có tiền thân là Công ty TNHH Các Sản Phẩm Sữa Quốc Tế được thành lập vào năm 2004. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến kinh doanh các sản phẩm từ sữa.

Giữa tháng 7/2024, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF. Cùng với việc đổi tên, trụ sở chính của công ty cũng đã được chuyển từ huyện Ba Vì (Hà Nội) đến Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Dự kiến, nhà máy mới tại Bàu Bàng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2025, với quy mô và công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm.

Ngoài ra, Sữa Quốc Tế còn sở hữu 3 nhà máy chế biến sữa tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Ba Vì (Hà Nội) và Khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi, TP.HCM).

Hiện, ông Tô Hải đang là Chủ tịch HĐQT IDP. Ngoài ra, doanh nhân này còn giữ vị trí Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT của CTCP Chứng khoán Vietcap (MCK: VCI).

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, bà Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ ông Tô Hải đăng ký bán 13,2 triệu cổ phiếu VCI từ ngày 4/9 - 3/10 nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân.

Nếu giao dịch thành công, số cổ phần VCI nắm giữ của bà Kim sẽ giảm từ hơn 22,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,17%) xuống còn 9,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,18%). Trong khi đó, ông Tô Hải đang sở hữu 22,44% vốn tại Chứng khoán Vietcap.

Bà Trương Nguyễn Thiên Kim hiện cũng đang là thành viên HĐQT của Sữa Quốc tế LOF. Ngoài ra, nữ doanh nhân sinh năm 1976 này còn giữ nhiều vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp như: CTCP Phê La; CTCP Café Katinat; CTCP Thương mại Dịch vụ Bến Thành (MCK: BTT);...

Bạch Hiền

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT