Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Đầu tư khôn ngoan, tránh mất tiền oan (P3)

Sau 2 phần trước đề cập về tiết kiệm và chi tiêu, phần này sẽ giúp bạn tìm hiểu những bước đầu của việc đầu tư. Nhưng cũng cần nói rằng, đầu tư là một phạm trù rất rộng lớn, và bài viết này chỉ là gợi mở nhỏ để các bạn trẻ mới đi làm bắt tay tìm hiểu và khởi động quá trình đầu tư của mình.

Xem 2 phần trước trong series bài viết về Tài chính cá nhân cho người mới đi làm

Phần 1: Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm

Phần 2: Lên kế hoạch chi tiêu và kỷ luật tài chính

***

Những điều cần ghi nhớ trước khi đầu tư

Một là, luôn có tiết kiệm và dự phòng trước khi đầu tư. Số tiền này có thể là vài tháng chi tiêu cơ bản của bạn, có thể là 3 – 6 tháng lương nếu bạn muốn an toàn hơn. Nhưng điều cần thiết là luôn thủ sẵn một khoản, để có thể sống và làm việc hiệu quả kể cả khi đầu tư thua lỗ, hay thế giới đón nhận 1 "thiên nga đen" như dịch Covid.

Hai là, tiết kiệm không giúp bạn giàu, đầu tư mới giúp bạn giàu. Đầu tư ở đây được hiểu theo nghĩa bao gồm cả đầu tư tiền bạc và đầu tư vào bản thân (học hành, các mối quan hệ) để giúp tăng nhanh khả năng kiếm tiền. Có người nói, chỉ khi mở kinh doanh mới dễ giàu. Đồng ý, bởi vì kinh doanh thực tế cũng là 1 hành động đầu tư khá mạo hiểm, và càng mạo hiểm hơn khi bạn kinh doanh những lĩnh vực bạn chưa có kinh nghiệm, hoặc trong tình hình kinh tế như hiện nay.

Ba là, lợi nhuận tiềm năng luôn tỷ lệ thuận với tỉ lệ mất vốn: tiềm năng lợi nhuận càng cao, thì khả năng mất vốn càng cao, và ngược lại. Cho nên nếu bạn muốn giàu nhanh, muốn rút ngắn thời gian đạt mục tiêu, thì bạn phải chấp nhận độ rủi ro cao hơn. Sẽ không có người nào chỉ gửi tiết kiệm ở ngân hàng, mà mong muốn mức lợi nhuận 20 – 30%/năm đúng không?

Sau khi nhớ những nguyên tắc cơ bản, thì bạn sẽ cần lựa chọn cho mình các kênh đầu tư theo lợi nhuận tiềm năng và khả năng rủi ro mà bạn có thể (hay muốn) chịu.

Kênh đầu tư "truyền thống"

Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Đầu tư khôn ngoan - Ảnh 1.

Có rất nhiều kênh đầu tư được cho là an toàn, đặc biệt với người mới bắt đầu. Và bài này sẽ giới thiệu với bạn vài ba kênh trong đó. Lý do được gọi là an toàn bởi khả năng sinh lời không quá cao, đâu đó chỉ khoảng gấp 2 lần đến 3 lần lãi suất tiết kiệm ngân hàng và khả năng mất vốn thấp hơn.

Vàng

Đây là kênh rất truyền thống và được nhiều người lớn tuổi lựa chọn, do những ký ức về thời kỳ biến động kinh tế vẫn còn ám ảnh 1 thế hệ. Vàng có đặc tính là thường lên giá (so với tiền mặt) sau khi lưu giữ nhiều năm và bảo quản dễ, có tính cầm nắm cao. Tuy nhiên, hiện tại do một số hạn chế về chính sách và giá vàng đang ở mức cao, nên cần rất cân nhắc khi đầu tư kênh này.

Chứng khoán

Chứng khoán (gồm cổ phiếu và trái phiếu) là thị trường mua bán vốn và nợ của doanh nghiệp một cách hợp pháp, trên nền tảng xây dựng, vận hành và giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan Nhà nước. Các giao dịch đầu tư trên thị trường chứng khoán có sự minh bạch và tốt hơn. Thời kỳ Covid đã sinh ra một nhóm nhà đầu tư mới vào chứng khoán và nhóm này vẫn tiếp tục đầu tư sau đó, giúp thị trường chứng khoán giữ được đà tăng trưởng một cách ổn định. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư chứng khoán (mua bán cổ phiếu, trái phiếu), hoặc tham gia các sản phẩm phái sinh (quỹ mở, chứng chỉ quỹ) cũng cần thời gian tìm hiểu và kênh kiến thức đúng đắn, cũng như dựa trên kinh nghiệm hợp lý.

Bất động sản

Đây cũng là một kênh truyền thống và luôn được nhiều người lựa chọn làm nơi trú ẩn. Điểm mạnh của BĐS đó là kinh tế càng phát triển và đô thị hoá càng mạnh mẽ thì giá trị BĐS càng tăng nhanh và BĐS có tính giữ vốn tốt. Tuy nhiên, điểm yếu là vốn để tham gia thị trường thường rất lớn, từ vài trăm triệu nếu ở quê và vài tỷ nếu ở thành phố. Hơn nữa cũng cần cẩn thận các cơn sóng của thị trường hay các loại tin đồn về các khu vực quy hoạch, khu vực sốt đất.

Thận trọng với các kênh đầu tư mạo hiểm

Tài chính cá nhân cho người mới đi làm: Đầu tư khôn ngoan - Ảnh 2.

Ngoài các kênh đầu tư được bảo hộ về khung pháp lý như trên, nhiều nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, với kỳ vọng lợi nhuận cao đồng thời rủi ro cũng cao, còn tìm đến một số kênh đầu tư khác như Blockchain/Tiền số, Forex, Binary option... 

Điểm chung của các thị trường này là khả năng gia tăng tài sản nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng có thể thua lỗ theo cấp số nhân. Tại Việt Nam, các thị trường nói trên đều không hợp pháp và không được bảo hộ của pháp luật. Chính điều này khiến quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo vệ khi phát sinh các vấn đề rắc rối khi trở thành nạn nhân của các hội nhóm lừa đảo hoặc giao dịch tại các sàn không uy tín. Việc đầu tư vào các hình thức này hiện vẫn chưa được công nhận về tính hợp pháp tại Việt Nam.

Ngoài ra, các kênh đầu tư ngang hàng, góp vốn cũng thường thu hút người tham gia với lợi suất khoảng hơn 10%/năm, tức là chỉ gấp đôi mức lãi tiết kiệm ngân hàng, tuy nhiên vẫn có rủi ro mất vốn và mất khả năng chi trả của các tổ chức huy động. Kênh này tuy chưa có khung pháp lý rõ ràng, nhưng các tổ chức huy động vốn theo hình thức này thường hoạt động công khai, minh bạch về các thông tin như: đội ngũ lãnh đạo, hình thức đầu tư, bảo đảm an toàn vốn, đăng ký kinh doanh, kiểm toán, giấy phép hoạt động. Vì thế nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tìm hiểu hình thức đầu tư này.

Trên thực tế, thị trường vẫn còn có rất nhiều hình thức đầu tư với đủ loại tiềm năng lợi nhuận và rủi ro. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu và trang bị kiến thức trước khi tham gia bất cứ loại hình đầu tư nào, đảm bảo mục tiêu tài chính bao gồm gia tăng tài sản và bảo vệ khỏi rủi ro.

Hoàng Bảnh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT