Tài chính cho chuyển đổi năng lượng toàn cầu: Câu hỏi nghìn tỷ USD
Thế giới cần tìm và rót 2.400 tỷ USD hàng năm vào quá trình chuyển đổi năng lượng vào năm 2030. Điều vẫn chưa rõ ràng là số tiền đó sẽ đến từ đâu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây thông báo rằng các quốc gia giàu nhất thế giới cuối cùng đã đạt được mục tiêu hàng năm về tài trợ 100 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng vào năm 2022.
Trên thực tế, tin vui là số tiền tài trợ thậm chí đã vượt mục tiêu đề ra, với mức vượt là hơn 15 tỷ USD, OECD cho biết. Mặc dù vậy, những con số này cuối cùng vẫn chỉ như “muối bỏ biển” vì mục tiêu cuối cùng là huy động hàng nghìn tỷ USD vào tài chính xanh trong vài thập kỷ tới vẫn khó nắm bắt hơn bao giờ hết.
Thường được gọi là tài chính khí hậu, số tiền mà nhiều cơ quan dự báo khác nhau cho rằng thế giới cần chi hàng năm để chuyển từ hydrocarbon sang các nguồn năng lượng thay thế chắc chắn không phải là một con số nhỏ.
Trên thực tế, cái giá của quá trình chuyển đổi đã tăng lên liên tục trong vài năm qua. Nói cách khác, vào thời điểm OECD đạt được mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm là 100 tỷ USD, điều đó vẫn chưa đủ để thúc đẩy chương trình chuyển đổi theo kế hoạch. Và con số cũng có thể tiếp tục tăng.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Simon Stiell, cho biết hồi đầu năm nay rằng thế giới cần tìm và rót 2.400 tỷ USD hàng năm vào quá trình chuyển đổi năng lượng vào năm 2030.
“Rõ ràng là để đạt được quá trình chuyển đổi này, chúng ta cần tiền và rất nhiều tiền, nếu không muốn nói là nhiều hơn”, ông Stiell nói vào thời điểm đó.
Điều vẫn chưa rõ ràng là số tiền đó sẽ đến từ đâu. Không chỉ vậy, gần đây còn nổi lên rằng những quốc gia giàu có – được cho là sẽ gánh vác gánh nặng cho tất cả các nước nghèo không đủ khả năng chi hàng tỷ USD cho trợ cấp năng lượng mặt trời và xe điện – đã lợi dụng các cơ chế tài chính khí hậu.
Một cuộc điều tra của chương trình báo chí Big Local News tại Đại học Stanford (Mỹ) đã tiết lộ rằng các thành viên G7 của OECD thường xuyên cung cấp “tài chính khí hậu” cho các quốc gia nghèo dưới dạng các khoản vay thay vì trợ cấp, kèm theo lãi suất thị trường thay vì lãi suất chiết khấu điển hình của các khoản vay đó.
Các khoản vay cũng đi kèm với những điều kiện ràng buộc như: Quốc gia đi vay phải thuê các công ty từ quốc gia cho vay để thực hiện dự án được tài trợ.
Cuộc điều tra đã không gây được tiếng vang lớn. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia đang thảo luận về việc nâng cao mục tiêu đầu tư tài chính khí hậu trước thềm Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) dự kiến diễn ra ở Azerbaijan vào tháng 11, chi phí của quá trình chuyển đổi cũng đang gia tăng.
Theo một bài tổng quan gần đây của Reuters về tình hình hiện tại, các nước Ả Rập đã đề xuất mục tiêu đầu tư hàng năm là 1.100 tỷ USD, trong đó 441 tỷ USD sẽ đến từ các nước phát triển. Đề xuất đầu tư hơn 1.000 tỷ USD hàng năm cũng nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ và các nước châu Phi.
Rõ ràng là hợp lý khi các bên hưởng lợi tiềm năng từ khoản tài chính nghìn tỷ USD hàng năm đó sẽ ủng hộ ý tưởng này. Nhưng các bên phải đóng góp vào kế hoạch này không sẵn lòng ký kết điều gì khi chính họ cũng đang “kẹt tiền”.
Hiện tại không có quốc gia G7 nào không gặp phải rắc rối tài chính ở mức độ nào đó. Từ khoản nợ khổng lồ của Mỹ, mức tăng trưởng GDP gần bằng 0 của Đức, đến thâm hụt ngân sách của Nhật Bản, G7 đang gặp khó.
Tuy nhiên, G7 dự kiến sẽ gánh phần lớn gánh nặng tài chính cho khí hậu. Mỹ và EU đã nhất trí rằng họ cần huy động hơn 100.000 tỷ USD hàng năm để quá trình chuyển đổi có cơ hội diễn ra. “Làm thế nào” vẫn là câu hỏi nghìn tỷ USD.
Một kênh tài trợ khả thi là tài chính tư nhân. Nhưng các chính phủ không thể đảm bảo lợi nhuận đủ để thu hút các nhà đầu tư, khiến họ “ngại” tham gia vào quá trình chuyển đổi để cung cấp hàng tỷ USD cần thiết đó cho tài chính khí hậu.
Xe điện là một trường hợp điển hình. EU đã và đang làm mọi thứ có thể để hỗ trợ quá trình điện khí hóa, bao gồm ưu đãi thuế cho người mua, thuế trừng phạt đối với chủ sở hữu xe động cơ đốt trong và chi tiêu mạnh tay vào cơ sở hạ tầng xe điện có tính phí.
Tuy nhiên, khi các chính phủ bắt đầu giảm dần trợ cấp cho xe điện, doanh số bán hàng đang sụt giảm. Nếu không bắt buộc phải sử dụng xe điện, EU thực sự không còn lựa chọn nào khác.
Điện mặt trời và điện gió ở Mỹ cũng là một trường hợp điển hình. Lượng công suất được lắp đặt trên toàn quốc đang tăng nhanh nhưng sự phản đối của cộng đồng địa phương đối với việc lắp đặt các cơ sở này cũng tăng lên.
Vào tháng 2, USA Today đã đưa tin về một cuộc khảo sát cho thấy 15% các quận của Mỹ đã dừng việc xây dựng các dự án năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn. Mặc dù bài báo mô tả xu hướng này là tiêu cực, nhưng những cộng đồng bị ảnh hưởng thường có những lý do khá chính đáng để phản đối, chẳng hạn như sự tàn phá môi trường hoặc các vấn đề về độ tin cậy của nguồn cung năng lượng.
Theo Liên Hợp Quốc, thế giới cần chi 2.400 tỷ USD hàng năm để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2050.
Theo BloombergNEF, cái giá phải trả cho quá trình chuyển đổi đã tăng 19%, tương đương 34.000 tỷ USD so với ước tính trước đó. Làm thế nào những người chịu trách nhiệm tìm thấy số tiền này và cách phân phối nó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.