Tài sản của đại gia Lê Thanh Thản: Từ chuỗi khách sạn Mường Thanh đến loạt chung cư giá rẻ

Ông Lê Thanh Thản được mệnh danh là "đại gia điếu cày" đi xe Rolls-Royce cho thấy khối tài sản của vị doanh nhân này khủng cỡ nào.

Ông Lê Thanh Thản (sinh năm 1950, quê Diễn Châu, Nghệ An), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes (Công ty Bemes), Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh người sẽ hầu tòa vào ngày 10/8 vì tội Lừa dối khách hàng liên quan đến sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Trong giới bất động sản, doanh nhân Lê Thanh Thản không hề xa lạ gì. Người ta thường biết đến ông với nhiều biệt danh như: "Đại gia điếu cày", "ông trùm" nhà giá rẻ... Người ta còn gọi ông là “đại gia điếu cày” đi xe Rolls-Royce cho thấy khối tài sản của vị doanh nhân này khủng cỡ nào.

Ông Thản xuất thân Nghệ An, khởi nghiệp từ tỉnh miền núi Lai Châu, lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987), sau đó vươn sang Lào.

Đến đầu những năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên.

Năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại TP Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Tháng 10/2012, Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh được đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Năm 2013, bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái ông Thản) chính thức trở thành Tổng Giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh. 

tai-san-cua-dai-gia-le-thanh-than-tu-chuoi-khach-san-muong-thanh-den-loat-chung-cu-gia-re-1691571468.png
"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản

Không chỉ kinh doanh khách sạn, Tập đoàn Mường Thanh còn mở rộng sang những lĩnh vực mới như giải trí, thể dục thể thao, vật phẩm lưu niệm... với thương hiệu như: Mường Thanh Safari Diễn Lâm, VRC (trung tâm giải trí đa chức năng), Fitness Plus (trung tâm Fitness & Yoga 5 sao), DreamKid (khu vui chơi học tập dành cho trẻ em), Hoa Ban Gift Shop (chuỗi cửa hàng lưu niệm cao cấp)... 

Tính đến 2015, Tập đoàn Mường Thanh đều thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản. Trong đó ông Lê Thanh Thản nắm 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến, con gái của ông Lê Thanh Thản nắm giữ 20% và ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 10%.

Ông Thản định hướng phát triển mảng khách sạn - nghỉ dưỡng ở phân khúc cao cấp với tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Đến nay, chuỗi khách sạn này đã có 60 đơn vị thành viên, chia làm 4 phân khúc gồm Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh.

Trái lại, "đại gia điếu cày" xây dựng chiến lược kinh doanh "mua rẻ - bán rẻ” trong lĩnh vực bất động sản khi cho ra đời hàng loạt các dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội như khu đô thị Xa La (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai), Đại Thanh (Thanh Trì),...

Đáng nói là hoạt động kinh doanh bất động sản của ông Thản lại liên tiếp vướng vào những sai phạm. Giai đoạn tháng 3/2017, Thanh tra Chính phủ vạch hàng loạt sai phạm tại dự án chung cư Đại Thanh tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án này là: Xây dựng khi chưa có quyết định giao đất; chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chuyển nhượng bất hợp pháp, chưa nộp tiền sử dụng đất...

Sau đó, Thanh tra TP. Hà Nội tiến hành thanh tra 9 dự án trong số 12 dự án Tập đoàn Mường Thanh triển khai trên địa bàn thì tiếp tục phát hiện 9 dự án đều có nhiều vi phạm nghiêm trọng về Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quản lý thuế. 

tai-san-cua-dai-gia-le-thanh-than-tu-chuoi-khach-san-muong-thanh-den-loat-chung-cu-gia-re-2-1691571515.jpg
Tập đoàn Mường Thanh hiện có 60 khách sạn thành viên

Ngoài chuỗi Mường Thanh, ông Thản còn mua lại Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông (mã PDC) từ Tập đoàn Đại Dương để sở hữu chuỗi khách sạn Phương Đông. Việc thâu tóm khách sạn Phương Đông cũng giúp gia đình ông Thản sở hữu cả tài sản trên thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo, ông Lê Thanh Thản đang nắm 3 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ trong khi đó, cổ đông Lê Kim Giang nắm hơn 3 triệu đơn vị, tương ứng 20,33% vốn điều lệ.

Ông Đỗ Trung Kiên, con rể ông Thản, nắm 2,85 triệu cổ phiếu PDC chiếm tỷ lệ 19%; bà Lê Thị Hoàng Yến - thành viên HĐQT và là con gái ông Thản - nắm hơn 1,4 triệu cổ phiếu PDC tương ứng tỷ lệ 9,37% vốn điều lệ. Bà Phạm Thị Thu Thủy - Thành viên HĐQT - sở hữu 1,47 triệu cổ phiếu PDC, chiếm tỷ lệ 9,8%.

Như vậy, gia đình ông Lê Thanh Thản đang sở hữu khoảng 7,25 triệu cổ phiếu PDC tương ứng khoảng 48,37% vốn điều lệ Du lịch dầu khí Phương Đông, tương ứng khoảng 38,4 tỷ đồng.

Bên cạnh các khách sạn, chung cư, ông Thản còn sở hữu nhiều công trình bệnh viện, trường học, khu du lịch sinh thái… Theo đó, trong lĩnh vực giáo dục, ông Thản là chủ sở hữu Trường THPT Xa La và Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Nội - Thăng Long (Hà Đông, Hà Nội).

Ngoài ra, ông còn xây dựng Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, Nghệ An theo mô hình bệnh viện khách sạn chất lượng cao. Bệnh viện được đầu tư xây dựng với bảy tầng, quy mô 300 giường bệnh, trang bị công nghệ đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Ông Thản cũng sở hữu khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm 300 ha ở quê hương Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An, với 60 loài động vật, trong đó có nhiều cá thể quý hiếm từ châu Phi, Nam Mỹ… 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT