Tại sao hai "ông lớn" Techcombank và VPBank so kè lập công ty bảo hiểm nhân thọ?

VPBank và Techcombank muốn lập công ty bảo hiểm nhân thọ nhằm kiểm soát toàn diện chuỗi giá trị, giảm phụ thuộc đối tác và hướng tới mô hình tập đoàn tài chính đa ngành.

Tại sao hai "ông lớn" Techcombank và VPBank so kè lập công ty bảo hiểm nhân thọ?- Ảnh 1.

Lý do ông lớn ngân hàng 'lấn sân' mảng bảo hiểm

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/4, VPBank (mã CK: VPB) thông qua kế hoạch thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp mới sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung và các sản phẩm khác theo quy định pháp luật, với điều kiện được Bộ Tài chính cấp phép.

Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân cho biết, việc sở hữu công ty bảo hiểm sẽ giúp ngân hàng chủ động kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị từ sản phẩm, kênh khai thác đến chăm sóc khách hàng, thay vì phụ thuộc đối tác phân phối như trước. Đây cũng là bước đi nhằm hiện thực hóa mô hình tập đoàn tài chính đa ngành mà ngân hàng hướng tới.

Trong năm 2024, doanh thu từ mảng bảo hiểm của VPBank đạt 4.151 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ và tăng gần 24% so với năm 2022 – thời điểm trước biến động lớn của thị trường bảo hiểm.

Không chỉ VPBank, góp vốn thành lập công ty bảo hiểm cũng chiến lược dài hơi của Techcombank. 

Tại Đại hội cổ đông ngân hàng, Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết, nhà băng đã thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ và đang chuẩn bị nộp hồ sơ xin thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ lên Bộ Tài chính. Nếu được cấp phép đúng kế hoạch, Techcombank dự kiến sẽ ra mắt các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ vào cuối năm 2025.

Theo lãnh đạo Techcombank, có nhiều yếu tố để chứng minh tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ như cơ cấu dân số đang trong giai đoạn vàng, kinh tế trên đà hồi phục, thu nhập hộ gia đình tăng trưởng tốt. Họ cũng nhìn thấy cơ hội từ tỷ lệ phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP còn thấp và tăng trưởng gộp doanh thu bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đạt 26% trong 7 năm gần nhất.

"Những biến động của thị trường bảo hiểm nhân thọ do đứt gãy về cách phân phối và chất lượng tư vấn mở ra cơ hội cho những công ty bảo hiểm có định hướng số hóa trong tư vấn và dịch vụ sau bán hàng", lãnh đạo Techcombank nhận định.

Trước khi thành lập công ty bảo hiểm, Techcombank đã chấm dứt hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Manulife vào tháng 10/2024. Hợp tác của hai bên kéo dài từ năm 2013. Đây là một trong những thương vụ bancassurance đình đám, mang lại khoản phí trả trước và hoa hồng lớn hàng năm cho ngân hàng. Họ từng có năm thu đến 1.750 tỷ đồng từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm, trước khi giảm mạnh xuống 606 tỷ đồng vào năm 2024.

Sau khi ngừng hợp tác, ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh đã trả 1.800 tỷ đồng cho Manulife. Tuy nhiên, nhà băng này cho rằng đây là cơ hội để làm mới mảng kinh doanh bảo hiểm với chiến lược "khác biệt khó sao chép".

"Miếng bánh" bảo hiểm liệu còn ngon ăn?

Nhiều ngân hàng muốn lập công ty bảo hiểm, song để có lợi nhuận từ mảng này không dễ, "Mảng bancassurance vẫn có thể phát triển trong tương lai nhưng với tốc độ chậm hơn 10 năm qua. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu thủ tục, quy định chặt chẽ hơn", báo cáo của Chứng khoán Vietcap viết.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu này, do tỷ lệ thâm nhập mảng bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp. mảng bảo hiểm nhân thọ vẫn có thể trở thành gà đẻ chứng vàng cho các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường bảo hiểm có thể ghi nhận diễn biến tích cực hơn trong trung và dài hạn.

Bên cạnh yếu tố về kinh tế, chứng khoán SSI cũng nhận định, ngành bảo hiểm nhân thọ còn chịu ảnh hưởng từ hai chính sách mới gồm Thông tư 67 của Bộ Tài chính và Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024.

Cụ thể, Thông tư 67 – hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm – đưa ra thông điệp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và minh bạch dài hạn cho thị trường. Tuy nhiên, các quy định mới đòi hỏi thời gian để thích nghi và có thể tạo sức ép ngắn hạn lên doanh thu phí khai thác mới.

Còn với Luật Các tổ chức tín dụng, việc cấm hoàn toàn việc ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với các dịch vụ khác sẽ gây khó khăn đáng kể cho hoạt động bancassurance – kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu bảo vệ tài chính và sức khỏe của tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, thị trường không dễ tiếp cận khi ngoài công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng, có hơn 20 hãng bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại trường Việt Nam như Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, AIA…

Do đó, việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ cần đòi hỏi năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và tuân thủ các quy định chặt chẽ do Bộ Tài chính ban hành. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm phù hợp và từng bước lấy lại niềm tin khách hàng là những thách thức đáng kể đối với các ngân hàng – vốn quen với vai trò phân phối trung gian.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT