Tại sao Thụy Điển, nước an toàn nhất thế giới lại mất đến 2,5% GDP vì tội phạm?

Tội phạm lừa đảo trực tuyến đang bào mòn 2,5% GDP toàn quốc Thụy Điển.

Tại sao Thụy Điển, nước an toàn nhất thế giới lại mất đến 2,5% GDP vì tội phạm?- Ảnh 1.

Cô Ellen Bagley đã rất vui khi thực hiện lần bán hàng đầu tiên trên một ứng dụng quần áo cũ nổi tiếng. Thế nhưng chỉ vài phút sau, niềm vui đã hóa thành nỗi buồn khi cô gái 20 tuổi đến từ Linkoping-Thụy Điển này phát hiện mình bị lừa đảo trực tuyến.

Mọi chuyện có vẻ bình thường khi Bagley nhận được tin nhắn từ nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) mà cô giao dịch, qua đó yêu cầu người phụ nữ trẻ xác minh thông tin cá nhân để hoàn tất giao dịch.

Cô Bagley sẽ phải nhấp vào liên kết để kích hoạt BankID, một hệ thống ủy quyền kỹ thuật số phổ biến được hầu hết người Thụy Điển sử dụng.

Sau khi nhận được thông báo lỗi, cô Bagley bắt đầu nhận ra có gì đó không ổn nhưng đã quá muộn. Khoảng 10.000 Kronor Swedish, tương đương 1.000 USD đã bị rút khỏi tài khoản của cô và những tên trộm biến mất không còn dấu vết.

Tại sao Thụy Điển, nước an toàn nhất thế giới lại mất đến 2,5% GDP vì tội phạm?- Ảnh 2.

Câu chuyện của Bagley chỉ là một trong số vô vàn những trường hợp bị lừa đảo đang gia tăng tại Thụy Điển những năm qua khi nền kinh tế này dần từ bỏ tiền mặt.

Dù ít được chú ý hơn tội phạm băng đảng hay súng đạn, ma túy... nhưng lừa đảo trực tuyến lại đang bào mòn đến 2,5% GDP của Thụy Điển chỉ vì thói quen từ bỏ tiền mặt tại đây.

Chống tội phạm truyền thống

Thụy Điển được đánh giá là một trong những nền kinh tế đi đầu Châu Âu trong chiến lược từ bỏ tiền mặt để chống cướp ngân hàng, trốn thuế, rửa tiền và tội phạm truyền thống.

Nền kinh tế Bắc Âu này đã thực hiện chiến lược từ bỏ tiền mặt kể từ thập niên 1990 sau khi ngày càng nhiều nhóm cướp có vũ trang thực hiện các vụ cướp ngân hàng táo tợn.

Tỷ lệ giết người bằng súng tại Thụy Điển đã tăng gấp 3 lần trong khoảng 2012-2022, qua đó càng thúc đẩy chiến lược không tiền mặt của chính phủ.

Đến năm 2022, số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy chỉ 8% người dân Thụy Điển là còn dùng tiền mặt và đây là nền kinh tế có số lượng máy rút tiền tự động (ATM) bình quân đầu người thấp nhất Châu Âu.

Sự phát triển của mạng lưới BankID tại Thụy Điển đã trở thành biểu tượng được nhiều nước ca ngợi về bài học từ bỏ tiền mặt đáng noi theo. Chỉ với vài thao tác đơn giản là giao dịch trực tuyến có thể hoàn thành mà không cần tiền mặt hay hóa đơn chứng từ truyền thống.

Giao dịch được thực hiện nhanh hơn, cơ quan thuế theo dõi hiệu quả hơn, tội phạm truyền thống khó rửa tiền hơn còn người dân cũng như ngân hàng thì chẳng còn sợ bị cướp có vũ trang.

Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001, BankID đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Thụy Điển.

Tại sao Thụy Điển, nước an toàn nhất thế giới lại mất đến 2,5% GDP vì tội phạm?- Ảnh 3.

Số liệu cho thấy bình quân người dân nước này dùng BankID hơn 2 lần mỗi ngày, từ mọi dịch vụ như trả tiền xe buýt cho đến kê khai thuế hay mua hàng.

Ban đầu các ngân hàng dự định đây chỉ là sản phẩm điện tử cho khách hàng nhưng kể từ năm 2005, sau khi cơ quan thuế Thụy Điển áp dụng công nghệ này cho tờ khai trực tuyến thì BankID bắt đầu bùng nổ mạnh.

Việc ứng dụng được ra mắt trên điện thoại vào năm 2010 càng làm tăng tốc quy mô sử dụng của người dân khi chống được các vụ cướp tiền mặt.

Thế nhưng trên có chính sách dưới có đối sách, những tên tội phạm lừa đảo trực tuyến bắt đầu tung hoành trong bối cảnh mới.

Mất an toàn

Số liệu chính thức cho thấy lừa đảo trực tuyến và tội phạm kỹ thuật số tại Thụy Điển đã kiếm được đến 1,2 tỷ Kronor vào năm 2023 thông qua các vụ như của cô Bagley, tăng gấp đôi so với năm 2021.

Các cơ quan pháp luật của Thụy Điển ước tính quy mô tội phạm kỹ thuật số tại nước này có thể lên đến 2,5% GDP toàn quốc.

Tại sao Thụy Điển, nước an toàn nhất thế giới lại mất đến 2,5% GDP vì tội phạm?- Ảnh 4.

Không chỉ lừa đảo người tiêu dùng, lũ tội phạm còn tận dụng việc BankID hỗ trợ thành lập doanh nghiệp để rửa tiền kiểu mới.

Theo đó các băng đảng thành lập doanh nghiệp tại Thụy Điển, xây dựng các bảng lương và tờ khai chi phí giả để biến thu nhập từ hành vi phạm tội thành tiền vay ngân hàng và rút tiền từ hệ thống phúc lợi.

"Thật đáng hổ thẹn khi lũ tội phạm kiếm tiền từ hành vi phạm pháp nhưng cuối cùng lại rửa tiền thành công từ vay ngân hàng và tiền phúc lợi nhà nước", công tố viên Daniel Larson nói với tờ Fortune.

Theo Hội đồng Phòng chống Tội phạm Quốc gia Thụy Điển (SNCCP), các trường hợp doanh nghiệp gian lận lợi ích bị báo cáo đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ dưới 9.000 vụ vào năm 2014 lên hơn 23.000 vụ vào năm 2023.

Trong nỗ lực trấn áp tội phạm, chính phủ đã phải thành lập một cơ quan mới năm 2024 chỉ tập trung vào việc theo dõi các khoản thanh toán phúc lợi cho doanh nghiệp.

Để chống lại làn sóng tội phạm kỹ thuật số, chính phủ Thụy Điển đã gây áp lực lên các ngân hàng để thắt chặt các biện pháp an ninh nhưng động thái này lại đang gặp nhiều thách thức.

Nếu làm quá mạnh tay thì có thể cản trở tiền trình từ bỏ tiền mặt và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm xói mòn lòng tin người tiêu dùng và gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì bị thanh tra quá nhiều với thủ tục rườm rà.

Ngược lại nếu các biện pháp bảo mật quá kém thì tội phạm mạng lại tiếp tục hoành hành và gây mất niềm tin.

"Những kẻ lừa đảo trực tuyến đang biến Thụy Điển thành thiên đường tội phạm mạng", công tố viên Larson than thở.

Tại sao Thụy Điển, nước an toàn nhất thế giới lại mất đến 2,5% GDP vì tội phạm?- Ảnh 5.

Ngân hàng bồi thường

Các ngân hàng Thụy Điển đã đưa ra những biện pháp như gia tăng lớp bảo mật bổ sung khi giao dịch trong bối cảnh tội phạm mạng hoành hành. Thế nhưng phần lớn các biện pháp này lại mang tính tự nguyện khi người dùng cần phải lựa chọn tham gia để thiết lập ủy quyền 2 lớp và trì hoãn quá trình giao dịch.

Điều này khiến nhiều người dùng không thích ứng vì làm giảm mức độ tiện lợi của thanh toán trực tuyến.

Hiện nhiều người dân Thụy Điển đang kêu gọi ngân hàng phải chia sẻ gánh nặng thiệt hại khi bị lừa đảo trực tuyến so với chỉ chịu trách nhiệm 10% tổng giá trị thiệt hại như hiện nay.

Vào tháng 10/2023, nước Anh đã yêu cầu các ngân hàng hoàn trả tiền bị lừa đảo cho khách hàng khi thực hiện giao dịch chuyển khoản và người dân Thụy Điển đang kêu gọi chính phủ học tập.

Cho đến khi nguyện vọng này được thực hiện thì những nạn nhân như cô Bagley vẫn rất khó để lấy lại tiền dù đã báo cáo lên Ủy ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (SNBCD).

"Rất nhiều người đã nói với tôi rằng họ cũng bị lừa đảo và đang cảm thấy rất cô đơn cũng như xấu hổ vì bị như vậy", cô Bagley ngán ngẩm nói.

*Nguồn: Fortune

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT