Tâm lý 'mệt mỏi với vàng' đẩy giá một kim loại quý tăng gần 60% từ đầu năm - vàng, bạc, Bitcoin đều không là gì

Giá bạch kim bất ngờ bứt phá mạnh mẽ từ đầu năm 2025, vượt xa vàng và bạc, khi nhà đầu tư chuyển hướng vì kỳ vọng nguồn cung thắt chặt và “mệt mỏi vàng” lan rộng trên thị trường kim loại quý.

Bạch kim "soán ngôi" các kim loại quý trong năm 2025

Tính đến giữa tháng 7/2025, giá bạch kim đã tăng hơn 59% so với đầu năm, vọt lên khoảng 1.460 USD/ounce – mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, theo dữ liệu từ Trading Economics. Riêng trong tháng 7, giá bạch kim cũng đã tăng gần 25%, vượt xa mức tăng 2,8% của vàng và 9,4% của palladium.

Diễn biến này khiến bạch kim trở thành kim loại quý có mức tăng trưởng mạnh nhất tính từ đầu năm đến nay – vượt xa cả vàng (tăng 28%) lẫn bạc (tăng 35,3%) – dù không phải lúc nào cũng được xem là lựa chọn đầu tư phổ biến.

Nguyên nhân chính? Một mặt, thị trường đang chứng kiến năm thứ ba liên tiếp thiếu hụt nguồn cung bạch kim toàn cầu. Nhưng mặt khác, theo các chuyên gia, cơn "mỏi mệt với vàng" (gold fatigue) cũng đang thúc đẩy các nhà đầu tư và người tiêu dùng – đặc biệt là ở Trung Quốc – dịch chuyển sang bạch kim.

Tâm lý 'mệt mỏi với vàng' đẩy giá một kim loại quý tăng gần 60% từ đầu năm - vàng, bạc, Bitcoin đều không là gì  - Ảnh 1.

Cơn khát bạch kim - cung không đủ cầu trong nhiều năm liền

Theo Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC), thị trường bạch kim toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt gần 966.000 ounce trong năm nay – tương đương khoảng 12% sản lượng hàng năm (8 triệu ounce). Năm ngoái, mức thiếu hụt còn lớn hơn – lên tới 992.000 ounce, mức thâm hụt sâu nhất kể từ năm 2013.

Lý do chính là vì nhu cầu ngày càng tăng mạnh từ cả lĩnh vực nữ trang lẫn đầu tư, trong khi nguồn cung mới từ khai thác lại không tăng kịp. Dù một phần thiếu hụt được bù đắp bằng nguồn cung tồn kho (above-ground stock), lượng dự trữ hiện chỉ tương đương khoảng ba tháng tiêu thụ – một ngưỡng được xem là "không bền vững", theo WPIC.

Việc tái chế bạch kim – chủ yếu từ bộ lọc khí thải trên xe – cũng không đủ để tạo ra cú hích nguồn cung cần thiết. Hiện chỉ khoảng 25% tổng nguồn cung bạch kim toàn cầu đến từ tái chế. Dù các nhà nghiên cứu cho rằng việc chuẩn hóa quy trình tái chế có thể gấp đôi tỷ trọng này, thực tế vẫn còn xa vời.

Tâm lý 'mệt mỏi với vàng' đẩy giá một kim loại quý tăng gần 60% từ đầu năm - vàng, bạc, Bitcoin đều không là gì  - Ảnh 2.

Giá bạch kim tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 4 đến nay. Nguồn: Trading Economics.

Tâm lý "mệt mỏi với vàng" đẩy nhà đầu tư sang bạch kim

Tại Trung Quốc – nơi nữ trang không chỉ là trang sức mà còn là kênh tích lũy tài sản – bạch kim đang được ưa chuộng trở lại. Theo ông Vaibhav Agarwal, Giám đốc sản phẩm tại hãng chỉ số toàn cầu Indxx, các hãng kim hoàn tại Trung Quốc đang "tích cực chuyển từ vàng sang bạch kim do giá cả hợp lý hơn và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi".

Số liệu của WPIC cho thấy nhập khẩu bạch kim của Trung Quốc trong tháng 4/2025 đã đạt 11,5 tấn – mức cao nhất trong vòng 12 tháng. Cùng kỳ, sản xuất nữ trang từ bạch kim tăng 26% so với năm ngoái, trong khi doanh số vàng nữ trang giảm 32%. Chênh lệch giá ngày càng rộng giữa vàng (hiện trên 3.300 USD/ounce) và bạch kim là lý do chính khiến người tiêu dùng chuyển hướng.

"Giá vàng cao đang ảnh hưởng rõ rệt tới nhu cầu trang sức", ông Edward Sterck, Giám đốc nghiên cứu tại WPIC, nhận định. "Các thương hiệu đang tìm cách kéo khách hàng quay lại với dòng sản phẩm bạch kim có giá trị tốt hơn".

Có thực sự thiếu hụt hay chỉ là hiệu ứng đầu tư?

Dù WPIC và nhiều nhà đầu tư nhìn nhận thị trường đang trong trạng thái thiếu cung cấu trúc (structural deficit), một số chuyên gia lại phản biện rằng mức thiếu hụt có thể đang bị phóng đại.

Theo CPM Group – công ty nghiên cứu hàng hóa có trụ sở tại New York – thị trường bạch kim thực tế đã dư thừa nhẹ trong năm 2024 (khoảng 26.000 ounce) và có thể thặng dư 329.000 ounce trong năm nay, nếu không tính đến nhu cầu đầu tư.

Lý do là bạch kim mua vào dưới dạng đầu tư (thanh, tiền xu, ETF...) không thực sự tiêu thụ, mà vẫn tồn tại ở dạng nguyên khai và có thể được tái bán bất kỳ lúc nào. Ông Jeffrey Christian, Giám đốc CPM Group, cho rằng chính nhu cầu đầu tư bí ẩn và khó đo lường mới khiến thị trường có cảm giác thiếu hụt.

Tâm lý 'mệt mỏi với vàng' đẩy giá một kim loại quý tăng gần 60% từ đầu năm - vàng, bạc, Bitcoin đều không là gì  - Ảnh 3.

"Có rất nhiều bạch kim đang được dự trữ trên toàn cầu", ông Christian nói. "Nếu chỉ tính nhu cầu sử dụng thực tế trong công nghiệp và nữ trang, thị trường thậm chí có thể đang dư cung."

Bất chấp tranh cãi, giới phân tích đều đồng thuận rằng giá bạch kim vẫn chưa chạm đỉnh. Với mức hiện tại khoảng 1.460 USD/ounce, bạch kim vẫn dưới đỉnh năm 2014 (khoảng 1.500 USD) và kém xa vàng – đang giao dịch ở mức trên 3.300 USD/ounce.

"Platinum vẫn bị định giá thấp so với các kim loại quý khác, và đây là một cơ hội định giá lại", ông Agarwal từ Indxx nhận định. Với bối cảnh nguồn cung eo hẹp, nhu cầu tăng tại Trung Quốc, và xu hướng chuyển dịch khỏi vàng, ông tin rằng "giá bạch kim hoàn toàn có thể tiếp tục tăng".

Với nhà đầu tư, có nhiều cách để tiếp cận thị trường này: mua trực tiếp thanh bạch kim, đầu tư vào quỹ ETF (như Abrdn Physical Platinum Shares), hoặc sở hữu cổ phiếu các công ty khai thác bạch kim và phát triển công nghệ liên quan đến nhiên liệu hydro – lĩnh vực đang sử dụng chất xúc tác bạch kim trong tế bào nhiên liệu.

Đức Nam 


An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT