Tăng 120% từ đầu năm, vốn hoá Masan Consumer vượt qua Vinamilk, trở thành công ty lớn nhất ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán

196.000 đồng/cp là mức giá cao nhất từ trước đến nay của MCH và ngoài đà tăng không nghỉ thì "ngôi vương" đến được cũng là nhờ cổ phiếu VNM biến động theo chiều đi xuống trong 3 tháng qua.

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) đã tăng 34%. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu này tăng 120%. Chốt phiên giao dịch ngày 31/5 tại giá 196.000 đồng, Masan Consumer xác lập giá trị vốn hóa thị trường 140.631 tỷ đồng – vượt qua CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (136.683 tỷ đồng) để trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán Việt.

Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của MCH và ngoài đà tăng không nghỉ thì "ngôi vương" đến được cũng là nhờ cổ phiếu VNM biến động theo chiều đi xuống trong 3 tháng qua. VNM đạt mức giá cao nhất trong năm 2024 vào ngày 5/3/2024 với 73.000 đồng, tương đương vốn hóa hơn 152.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với giá đỉnh của "bò sữa" trong lịch sử niêm yết.

photo-1717242166060

Dữ liệu: VNDIRECT

Vốn hóa Masan Consumer cũng đang cao hơn 22% so với tập đoàn mẹ (gián tiếp) là CTCP Tập đoàn Masan (MSN).

Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng trong năm 2024 được hỗ trợ bởi kỳ vọng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng, cùng với việc Chính phủ thông qua chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Nhưng sự yêu thích đối với riêng MCH còn đến từ hàng loạt "câu chuyện" mới mà doanh nghiệp tuyên bố sẽ thực thi mạnh mẽ từ năm 2023 đến nay: Chiến lược cao cấp hóa, Go Global và niêm yết trên HOSE.

Nhảy vào những thị trường lớn hơn

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo công bố MCH sẽ xây dựng mô hình FMCG mới, sẵn sàng bước vào những thị trường rộng lớn hơn nhằm mở rộng quy mô doanh thu cho công ty, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn. Tính đến hiện tại, 98% các hộ gia đình ở Việt Nam có ít nhất 1 sản phẩm của Masan Consumer khi công ty này đã xây dựng hệ thống dòng sản phẩm bắt đầu từ nhà bếp, tủ lạnh đến phòng khách, phòng tắm. Trong một thị trường có quy mô khoảng 8 tỷ USD, về cơ bản, Masan Consumer đã phục vụ cơ bản đầy đủ các nhu cầu thiết yếu tại nhà.

Tuy nhiên so với quy mô toàn thị trường FMCG tại Việt Nam lên đến 32 tỷ USD thì thị phần của Masan Consumer chưa đến 5%. Do đó, lãnh đạo của Masan Group định hướng hướng đến thị trường lớn hơn, cao cấp hơn là out-of-home mà mở đầu với dòng sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín mang thương hiệu OMACHI.

Với chiến lược "Go Global", Masan Consumer đặt mục tiêu xuất khẩu ra thị trường toàn cầu 8 tỷ dân. Bước đầu với dòng sản phẩm CHIN-SU đã đạt được thành công trên các sàn thương mại lớn như Amazon (Mỹ), Coupang (Hàn Quốc), đặt mục tiêu doanh thu quốc tế chiếm từ 10-20% tổng doanh thu.

Bước vào những thị trường lớn hơn, Masan Consumer được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu lớn hơn. Đi kèm, công ty cũng cho biết biên lợi nhuận ngày càng cải thiện nhờ cơ cấu ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và xu hướng giảm giá nguyên vật liệu.

Thực tế con số kết quả kinh doanh năm 2023 và quý 1/2024 đã phản ánh kết quả của chiến lược này. Năm 2023, Masan Consumer thiết lập mức kỷ lục mới với doanh thu thuần hơn 28.240 tỷ đồng và lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng - tăng trưởng 30% so với năm 2022. Biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer lên mức cao nhất tính đến thời điểm đó, gần 46%.

Đến quý 1/2024, công ty đạt 6.727 tỷ đồng doanh thu1.505 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 7,4% và 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục tăng lên con số 46,7% - chỉ thấp hơn quý 4/2024 và cao hơn 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

 Tăng 120% từ đầu năm, vốn hoá Masan Consumer vượt qua Vinamilk, trở thành công ty lớn nhất ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán- Ảnh 2.

Báo cáo phân tích mới đây của CTCK Vietcap thống kê số liệu từ Euromonitor cho biết, mảng gia vị và thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer năm 2023 chiếm thị phần tương ứng là 33% và 13%. Hai mảng này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ổn định, chủ yếu là do giá bán bình quân tăng. Cụ thể, gia vị và thực phẩm tiện lợi có tốc độ CAGR doanh số bán hàng năm 2020-2023 tương ứng là 9% và 7%, chủ yếu nhờ mức tăng giá bán trung bình lần lượt là 7% và 8%.

Tăng 120% từ đầu năm, vốn hoá Masan Consumer vượt qua Vinamilk, trở thành công ty lớn nhất ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán- Ảnh 3.

Masan Consumer đã mở rộng thị trường nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu gia vị chủ chốt Chin-su và nước tăng lực nhãn hiệu Wake-up 247 (nước tăng lực pha cà phê). Chin-su, ban đầu là nước tương và nước mắm, đã mở rộng sang các lĩnh vực gia vị như tương ớt và bột đặc sản (tiêu, bột tỏi, bột nghệ…), đạt CAGR doanh thu năm 2018-23 là 18% và đóng góp 22% vào doanh số bán gia vị của công ty năm 2023.

Wake-up 247, nước tăng lực pha cà phê đầu tiên của Việt Nam được ra mắt vào năm 2014, đã duy trì tốc độ CAGR doanh số bán hàng giai đoạn 2018-2023 là 10%, đánh bại mức tăng trưởng 7% của thị trường nước tăng lực Việt Nam trong cùng kỳ (theo Euromonitor).

Trong quý 1/2024, các dòng sản phẩm mới gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ dùng gia đình, chăm sóc cá nhân (HPC) đã mang lại doanh thu xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc ra mắt đồ uống Ready to Drink (RTD) mới vào quý 4/2023 (Trà 365) cũng cho thấy những dấu hiệu đầy hứa hẹn với doanh thu 4,2 triệu USD trong quý 1/2024.

Niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE

Đại hội đồng cổ đông của Masan Consumer đã thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu MCH đang lưu hành lên sàn HOSE. Hiện tại, MCH đang giao dịch trên sàn UPCoM. Tài liệu ngày 30/5/2024 của Masan Group tiết lộ việc chuyển sàn lên HOSE của MCH dự kiến thực hiện vào quý 2/2025.

Trong báo cáo phân tích hồi tháng 4/2024, CTCK HSC đánh giá, 93,8% cổ phần của Masan Consumer do Công ty TNHH Masan Consumer Holdings – một công ty con của Masan Group - nắm giữ, do đó tỷ lệ free float chỉ là 6,2%, thấp hơn nhiều so với free float trung bình của VNallshare là 52,8% và free float trung bình của VN30 là 43,8%. Để niêm yết thành công, HSC cho rằng Masan Consumer cần phải tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, nghĩa là công ty có thể giảm tỷ lệ sở hữu của Masan Consumer Holdings (và theo đó là quyền sở hữu gián tiếp MSN) thông qua việc phát hành cổ phiếu mới hoặc bán cổ phiếu được sở hữu bởi Masan Consumer Holdings.

HSC cho rằng việc niêm yết và phát hành cổ phiếu (nếu xảy ra) của Masan Consumer sẽ giúp tăng giá trị thị trường của chính Masan Consumer và tạo ra tiền mặt dòng vốn vào cho Masan Group, giúp công ty giảm nợ và đầu tư vào hoạt động kinh doanh hiện tại.

Lan Hạ

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT