Tăng trưởng GDP 2024 ước đạt 6,8-7%, vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội

Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD so với mục tiêu 4.700-4.730 USD) do biến động tỷ giá.

Tuy nhiên, nếu tính theo VND, tại thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2024, mục tiêu GDP bình quân đầu người là khoảng 112 triệu VND; ước thực hiện năm 2024 là khoảng 123 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng GDP 2024 ước đạt 6,8-7%, vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội- Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp sáng 9/10. Ảnh: Đại đoàn kết

Cũng theo Bộ trưởng, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng 4,04%; cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024.

Thu ngân sách nhà nước 8 tháng tăng mạnh, ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ, ước cả năm tăng 10,1% so với dự toán. Trong khi đó, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất từ đầu năm đến hết tháng 8 để hỗ trợ sản xuất kinh doanh là gần 90 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm là khoảng 187 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt khoảng 19,1 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục phục hồi; đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%). Thu hút FDI là điểm sáng; vốn FDI đăng ký đạt hơn 20,5tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất từ năm 2021 đến nay. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng, an ninh lương thực; không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu, bảo đảm đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Dành gần 700.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở

Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới; đã phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2024, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 15 bậc.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đã tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo tinh thần đột phá, cải cách; phát huy vai trò của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý các doanh nghiệp yếu kém, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Nâng cao vai trò, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, điện, xăng dầu, lương thực, viễn thông…

Đặc biệt, đã dành gần 700.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 với mức cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn trong các lĩnh vực. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ; vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…

Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI. Vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường... vẫn là thách thức lớn...

Hà Ly (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT