Tập đoàn chip lớn nhất Châu Âu đặt cược vào Việt Nam: Tăng cường tuyển dụng, mở thêm nhà máy để bắt kịp xu thế trỗi dậy tại ĐNA

Đông Nam Á và Nam Á đang trở thành điểm sáng dịch chuyển chuỗi cung ứng bán dẫn khỏi Trung Quốc của các tập đoàn sản xuất chip.

Tập đoàn chip lớn nhất Châu Âu đặt cược vào Việt Nam: Tăng cường tuyển dụng, mở thêm nhà máy để bắt kịp xu thế trỗi dậy tại ĐNA - Ảnh 1.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay hãng chip hàng đầu Châu Âu là Infineon đang chạy đua để tuyển dụng lao động cũng như mở thêm nhà máy ở Đông Nam Á và Nam Á khi khu vực này đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Giám đốc Chua Chee Seong của Infineon tại Châu Á Thái Bình Dương nói với Nikkei rằng tập đoàn đang tăng cường tuyển dụng tại Việt Nam và Ấn Độ.

"Tôi cho rằng Đông Nam Á và Nam Á là thị trường tuyển dụng nhân lực quan trọng và ngày càng đóng vai trò chủ chốt cho chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu những năm tới", giám đốc Chua cho hay.

Cũng theo ông Chua, khu vực Đông Nam Á có môi trường địa chính trị khá ổn định trong bối cảnh biến động hiện nay và là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động sản xuất của ngành bán dẫn.

Tập đoàn chip lớn nhất Châu Âu đặt cược vào Việt Nam: Tăng cường tuyển dụng, mở thêm nhà máy để bắt kịp xu thế trỗi dậy tại ĐNA - Ảnh 2.

Giám đốc Chua Chee Seong của Infineon tại Châu Á Thái Bình Dương

Điểm sáng Việt Nam

Tờ Nikkei nhận định Việt Nam đang nổi lên để trở thành công xưởng quan trọng mới cho các nhà sản xuất chip điện tử. Một số doanh nghiệp như Synopsys đã thành lập đội nghiên cứu phát triển (R&D) gồm 600 người tại thị trường này.

Ngoài ra, hãng chip nổi tiếng thế giới Nvidia và Marvell cũng đang mở rộng đội ngũ kỹ sư tại thị trường này để tìm kiếm cơ hội.

Tương tự, các thị trường khác như Malaysia hay Singapore cũng đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển lớn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Giám đốc Chua của Infenion cũng đánh giá cao thị trường Singapore trong mảng vận hành logistic và tiếp nhận đơn hàng.

"Tất cả các tấm wafer từ những nhà cung ứng theo hợp đồng như TSMC sẽ được chuyển đến Singapore trước rồi mới được gửi đến các nhà máy lắp ráp và đóng gói chip khác", ông Chua cho hay.

Tuy nhiên theo giám đốc Chua, thị trường Singapore có rất nhiều nhân tài nhưng họ lại chẳng mấy hào hứng với ngành sản xuất bán dẫn mà thay vào đó lại dấn thân cho mảng tài chính, vốn dễ kiếm lợi nhuận và nhanh giàu hơn.

Ngoài ra, vấn đề quỹ đất cũng là khó khăn khiến nhiều nhà sản xuất do dự khi khảo sát tại Singapore.

Những dự án sản xuất chất bán dẫn sẽ cần những khu công nghiệp rộng lớn với lượng lao động dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành. Đó là chưa kể đến nguồn điện cùng các sở vật chất hạ tầng khác như đường , cảng biển...

Trong khi đó, giám đốc chi nhánh Châu Á Vincent Chang của Advantech, hãng sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất toàn cầu, nói với Nikkei rằng doanh thu của hãng ở thị trường Đông Nam Á đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015 và khu vực này sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trên thị trường bán dẫn.

"Chúng tôi đang khảo sát thị trường Đông Nam Á và nhận thấy Malaysia rất lý tưởng để trở thành trung tâm tích hợp chuỗi cung ứng toàn khu vực. Chúng tôi có mặt ở đây vì họ có các kỹ sư chất lượng cao chứ không phải vì lợi thế lao động giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang tuyển dụng thêm lao động hoặc khảo sát địa điểm ở đây", giám đốc Chang nói.

Tập đoàn chip lớn nhất Châu Âu đặt cược vào Việt Nam: Tăng cường tuyển dụng, mở thêm nhà máy để bắt kịp xu thế trỗi dậy tại ĐNA - Ảnh 3.

Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia trong chuyến thăm Việt Nam

Ngoài ra, ông Chang cũng đánh giá cao tiềm năng của Ấn Độ khi Advantech đã xây dựng một trung tâm R&D ở Pune vào tháng 10/2023, đồng thời tuyển dụng hàng trăm kỹ sư phần mềm.

Ấn Độ cũng tham gia

Về phía thị trường Nam Á, giám đốc Chua của Infineon đánh giá Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh cùng lợi thế nguồn lao động dồi dào là một lợi thế rất lớn thu hút các nhà đầu tư.

Hiện Infineon đã tuyển dụng khoảng 2.000 chuyên viên thiết kế chip cũng như kỹ sư phần mềm ở Ấn Độ, qua đó nhằm phục vụ nhu cầu xe điện cũng như thiết bị điện tử tăng cao trên toàn cầu.

"Chúng tôi nhận thấy thị trường tuyển dụng nhân tài ở Ấn Độ đang cạnh tranh ngày càng gay gắt khi nhiều nguồn vốn đổ về đây. Bởi vậy chúng tôi đang phải tìm kiếm địa điểm để mở văn phòng tại đây nhằm bắt kịp xu thế", giám đốc Chua nhận định.

Theo ông Chua, sự trỗi dậy của Ấn Độ rất giống với những gì đã diễn ra tại Trung Quốc cách đây 20-30 năm. Trong giai đoạn đầu, các tập đoàn Phương Tây sẽ đầu tư lớn và mở đường cho sự xuất hiện của những nhà cung ứng và thương hiệu địa phương trong tương lai.

Vị giám đốc Infineon này đánh giá ngành công nghiệp ô tô và xe máy đầy hứa hẹn ở Ấn Độ hiện nay khá tương đồng với thị trường 20-30 triệu xe hơi ở Trung Quốc.

Hiện Ấn Độ dù chỉ có 4 triệu ô tô nhưng lại còn rất nhiều dư địa để phát triển nếu so sánh lượng dân số 1,4 tỷ người. Ngoài ra thị trường 20 triệu xe máy tại đây cũng đem lại cơ hội tăng trưởng cho ngành chip xe máy điện cũng như mảng ắc quy.

Theo Nikkei, việc hàng loạt tập đoàn muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc nhằm tránh các biến động địa chính trị đã khiến Đông Nam Á và Nam Á trở thành điểm đến hấp dẫn.

Hiện Ấn Độ đã thu hút được hàng loạt tên tuổi lớn như Intel, Qualcomm, AMD, Application Materials và Micron mở nhà máy hoặc trung tâm R&D tại đây. Thậm chí Foxconn và Pegatron, những hãng cung ứng hàng đầu cho Apple cũng đã tăng cường hoạt động sản xuất tại Ấn Độ.

*Nguồn: Nikkei

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT