Tập đoàn Hoa Sen lỗ sau thuế 410 tỷ đồng, hàng tồn kho ở mức cao

Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục ghi nhận lỗ sau thuế 410 tỷ đồng trong 9 tháng niên độ tài chính 2022-2023, trong khi cùng kỳ lãi 1.128 tỷ đồng, tức giảm 1.548,05 tỷ đồng.

tap-doan-hoa-sen-tiep-tuc-thua-lo-hang-ton-kho-o-muc-cao-antt-1690704680.jpg
Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục thua lỗ, hàng tồn kho ở mức cao. Ảnh minh hoạ

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG) công bố báo cáo tài chính quý III niên độ tài chính 2022-2023 với kết quả tiếp tục kém sắc trong bối cảnh chung của ngành tôn thép.

Trong quý III niên độ tài chính 2022 – 2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 8.645,78 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán ở mức 7.753 tỷ đồng, giảm 26,7%. Như vậy, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn lại 892 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,1%, về còn 10,3%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 71,2%, tương ứng giảm 31,36 tỷ đồng, về 12,71 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 70,6%, tương ứng giảm 154,29 tỷ đồng, về 64,15 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 26%, tương ứng giảm 294,29 tỷ đồng, về 835,97 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Mặc dù đã cố gắng tiết giảm tối đa chi phí nhưng lợi nhuận vẫn giảm xấp xỉ 96%, về còn 12,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân kinh doanh sụt giảm là bởi sản lượng tiêu thụ giảm và giá vốn bán hàng tăng cao; giá thép tôn quay đầu giảm sau giai đoạn phục hồi những tháng đầu năm.

Luỹ kế 9 tháng đầu niên độ 2022 – 2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 23.544,1 tỷ đồng, giảm 43,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 410 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1.128 tỷ đồng, tức giảm 1.548,05 tỷ đồng.

Được biết, trong niên độ 2022 - 2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.

Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, Công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, cho dù là kịch bản nào, với việc lỗ trong 9 tháng đầu năm niên độ 2022-2023, Hoa Sen còn cách rất xa kế hoạch lãi niên độ 2022-2023.

Một diễn biến đáng lưu ý khác, cuối tháng 5/2023, sau khi Hoa Sen công bố Báo cáo tài chính bán niên cho niên độ 2022-2023, Sở Giao dịch Chứng Khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa Quyết định đưa cổ phiếu HSG vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Lý do được HoSE đưa ra do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2022-2023) là số âm.

Cụ thể, xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 14.898,3 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 424,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 873 tỷ đồng, tức giảm 1.297,2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 12%, về chỉ còn 7,3%.

Trước đó, chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 10/3/2023, ông Lê Phước Vũ- Chủ tịch HĐQT Hoa Sen cho biết, thời điểm khó khăn nhất của đã qua, Công ty bắt đầu có lãi từ tháng 2/2023.

Trở lại với BCTC của HSG, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 2,9% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 498,8 tỷ đồng, về 16.526,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 6.248,8 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 5.224,8 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.416,4 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 66,4% so với đầu kỳ, tương ứng tăng thêm 964,3 tỷ đồng, lên 2.416,4 tỷ đồng; tồn kho giảm 15,5% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 1.146,5 tỷ đồng, xuống 6.248,8 tỷ đồng.

Đối với các khoản phải thu, biến động tăng chủ yếu liên quan tới phải thu khách hàng các bên liên quan ghi nhận 389,6 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận; các bên khác tăng thêm 552,8 tỷ đồng, lên 1.738,5 tỷ đồng. Trong đó, phải thu bên liên quan chủ yếu là 389,54 tỷ đồng của Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.

Đối với cơ cấu tồn kho, Công ty đang giảm hàng hoá, thành phẩm, nguyên liệu, vật liệu. Trong đó, giảm dự phòng từ 715,7 tỷ đồng, xuống chỉ trích lập 211,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 183 tỷ đồng, lên 4.370 tỷ đồng và chiếm 26,4% tổng nguồn vốn (đầu kỳ chiếm 24,6% tổng nguồn vốn).

Nợ vay tài chính thời điểm cuối quý III niên độ ở mức 4.370 tỷ đồng, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 10.367 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 4.108 tỷ đồng, vốn điều lệ 5.980 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT