Tập đoàn KIDO lỗ đậm nhất lịch sử

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Tập đoàn KIDO ghi nhận lỗ sau thuế hơn 150 tỷ đồng, lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 319 tỷ đồng. Đây là mức lỗ đậm nhất trong lịch sử doanh nghiệp này.

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (MCK: KDC, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Theo đó, doanh thu thuần của KIDO ghi nhận 2.060 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Mặc dù biên độ của giá vốn hàng bán giảm nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 29%, đạt 388 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong quý của KIDO đạt 104 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với quý I/2022; chủ yếu là do công ty trích lập thêm khoản lãi thanh lý đầu tư hơn 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 152 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, KIDO lỗ hơn 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 121 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 319 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của "cựu hoàng" sản xuất bánh kẹo kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

ly-do-tap-doan-kido-lo-dam-nhat-lich-su-1682136458.jpg
"Ông hoàng" ngành bánh kẹo ghi nhận lỗ đậm nhất lịch sử trong quý I/2023. Ảnh minh họa

Nguyên nhân đến từ việc công ty phát sinh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được hạch toán tới 156 tỷ đồng. Cùng kỳ 2022, chi phí thuế của KIDO chỉ ở mức 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chi phí thuế này không được KIDO thuyết minh chi tiết mà chỉ được để trong phần “khác". Chi phí thuế trong riêng quý I/2023 thậm chí cao hơn chi phí thuế hàng năm của KIDO từ năm 2017 đến nay. 

Thông tin về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của KIDO là 13.237 tỷ đồng, giảm 5% so với số cùng kỳ; đa số là tài sản ngắn hạn. Còn về tài sản dài hạn, đầu tư tài chính dài hạn của công ty ở mức 1.991 tỷ đồng, giảm 49% so với đầu năm. Nguyên nhân là do công ty đã hoàn thành việc thoái vốn khỏi Công ty TNHH Dầu Thực vật Cái Lân (Calofic) với giá chuyển nhượng 2.158 tỷ đồng. 

Dư nợ tính đến ngày 31/3/2023 của KIDO ghi nhận 6.336 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Về các khoản vay của công ty, hiện KIDO đang sở hữu 14 khoản vay với tổng trị giá 3.698 tỷ đồng tại 6 ngân hàng. 

Bên cạnh đó, nợ vay trái phiếu ghi nhận đến cuối kỳ là 743 tỷ đồng, trong đó 495,5 tỷ đồng trái phiếu dài hạn và 247,5 tỷ đồng trái phiếu đến hạn phải trả.

Kết quả kinh doanh lỗ đậm nhất lịch sử được công bố trong bối cảnh KIDO đang tích cực mua sắm trên thị trường. Cuối tháng 2 vừa qua, KIDO đã thông qua việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Thực phẩm và Gia vị TA. Vốn điều lệ của công ty là 200 tỷ đồng, trong đó KIDO dự kiến góp 196 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu là 98%. 

Thời điểm góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc góp vốn thành lập Thực phẩm và Gia vị TA sẽ chính thức mở đường cho KIDO vào thị trường nước mắm.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO sẽ trở thành người đại diện quản lý phần vốn góp cũng như là người đại diện theo pháp luật tại Gia vị TA.

Còn mới đây, KIDO cũng thông qua chủ trương đầu tư vào doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát theo 2 giai đoạn. Cụ thể, ở giai đoạn 1, KIDO sẽ mua 25% cổ phần từ doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát. Ở giai đoạn 2, KIDO sẽ mua tiếp từ 51% và tối đa đến 70% để chi phối và sở hữu thương hiệu này. Số tiền dự chi hiện chưa được phía KIDO công bố.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDC giao dịch quanh vùng giá 62.500 đồng/cổ phiếu tại phiên ngày 21/4.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT