Tập đoàn Nhật sở hữu nhà máy điện than 2,58 tỷ USD lớn nhất Việt Nam vừa khánh thành: Bắt tay BRG làm dự án 4,2 tỷ USD, đầu tư vào loạt DN hàng đầu ở nhiều lĩnh vực

Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…

Ngày 13/3, Công ty TNHH Điện lực Vân Phong tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 khởi công năm 2019, có diện tích 137,11 ha được xây dựng tại Khu kinh tế Vân Phong, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Dự án được đầu tư bởi tập đoàn Sumitomo Nhật Bản. Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (VPCL) là doanh nghiệp dự án được chủ đầu tư - tập đoàn Sumitomo thành lập với 100% vốn góp. Tổng vốn đầu tư lên tới 2,58 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.432 MW. 

Với quy mô công suất này, Vân Phong là một trong những nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất Việt Nam và là nhà máy nhiệt điện than có công suất lớn nhất.

Khi đi vào vận hành, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 sẽ cung cấp thêm khoảng 8,5 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng điện năng toàn quốc.

Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân, cho biết, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa tính đến thời điểm này. Dự án được hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành sẽ tạo ra nhiều việc làm, đóng góp cho ngân sách địa phương với dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tập đoàn Nhật sở hữu nhà máy điện than 2,58 tỷ USD lớn nhất Việt Nam vừa khánh thành: Bắt tay BRG làm dự án 4,2 tỷ USD, đầu tư vào loạt DN hàng đầu ở nhiều lĩnh vực- Ảnh 1.

Ảnh: Báo Công Thương

Chủ đầu tư của dự án, Tập đoàn Sumitomo Corporation là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản. Đến nay, Tập đoàn Sumitomo có mặt tại 66 quốc gia với hơn 79.500 nhân viên trên toàn cầu. Tính đến ngày 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của tập đoàn lên tới 29,2 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…

Sumitomo ghi dấu tại loạt dự án lớn như tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2…

Sumitomo sở hữu 58% vốn của Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long (TLIP). Hiện có 3 KCN Thăng Long ở Việt Nam bao gồm TLIP 1 tại Hà Nội, TLIP 2 tại Hưng Yên và TLIP 3 tại Vĩnh Phúc.

Sumitomo đã liên doanh với Tập đoàn BRG hợp tác đầu tư dự án Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD) và nắm 50% vốn trong Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (NH Smart City) – chủ đầu tư dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, vốn điều lệ lên đến 14.260 tỷ đồng,

Ngoài ra, Sumitomo còn hợp tác với BRG phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam, nắm 49%.

Sumitomo Corporation và các công ty thành viên còn sở hữu cổ phần tại nhiều công ty khác tại Việt Nam, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô...

Trên thị trường chứng khoán, Sumitomo - thông qua SSJ Consulting - đang sở hữu 9,71% cổ phần của Gemadept  (GMD), 7% của Ô tô Trường Long (HTL).


Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT