Tập đoàn Phương Trang muốn sản xuất ô tô?

Phạm Thị Tâm

Với việc lập ra công ty mới với ngành nghề chính là sản xuất ô tô, Tập đoàn Phương Trang của đại gia Nguyễn Hữu Luận dường như muốn lấn sân sang kinh vực mới.

tap-doan-phuong-trang-muon-san-xuat-o-to-xe-co-dong-co-antt-1684826756.PNG
Tập đoàn Phương Trang thành lập công ty mới với ngành nghề chính là sản xuất ô tô. Ảnh minh họa

CTCP Đầu tư Phương Trang (tên viết tắt Futa Corp) được thành lập vào ngày 12/2/2003 với vốn điều lệ ở mức gần 770 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Luận nắm giữ 98,66% VĐL. Đến tháng 6/2021, Tập đoàn Phương Trang đã nâng vốn điều lệ lên gần 3.139 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là ông Phạm Đăng Quan.

Bên cạnh việc nắm giữ phần lớn cổ phần tại Futa Corp, Chủ tịch Nguyễn Hữu Luận còn hiện diện và chi phối tại hầu hết công ty thành viên trong “hệ sinh thái”. Đầu tiên phải kể đến lĩnh vực vận tải với thương hiệu xe khách Phương Trang – mảng kinh doanh truyền thống của đại gia này.

Theo giới thiệu trên trang chủ, thương hiệu này được ra đời từ một doanh nghiệp nhỏ với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Hiện nay, hãng xe này đang phục vụ hơn 20 triệu lượt khách mỗi năm, sở hữu hơn 250 phòng vé, trạm chung chuyển, bến xe và phục vụ hơn 1.600 chuyến xe đường dài và liên tỉnh mỗi ngày.

Tuy là lĩnh vực hoạt động lõi từ ngày khởi nghiệp - cuối năm 2002, nhưng phải đến tháng 4/2013, CTCP Xe khách Phương Trang Futa BusLines (Futa BusLines) mới được thành lập, chính thức khu biệt mảng kinh doanh lõi này ra một pháp nhân riêng.

Tại ngày 3/11/2015, số vốn Futa BusLines ở mức 200 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP Taxi Phương Trang nắm giữ 40%, Nguyễn Hữu Luận (52,67%), Phạm Đăng Quan (5,83%) và Nguyễn Thị Ngọc Trinh (1,5%).

Cũng trong lĩnh vực vận tải, ngoài Futa BusLines thì còn có thêm 2 pháp nhân khác là CTCP Vận tải và Dịch vụ Du lịch Phương Trang (tên viết tắt Futatrans Corp) và CTCP Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang Futa (Futa Express). Trong đó, Futa Express là đơn vị điều hành lĩnh vực chuyển phát nhanh với thương hiệu cùng tên, trụ sở hiện đặt tại quận 10 TP.HCM. Còn Futa Express được biết đến là công ty mẹ của CTCP Thương mại điện tử Vận Thông – đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Vato – với tỷ lệ sở hữu đến 90% vốn. Futa từng tuyên bố sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng cho dự án gọi xe công nghệ đầy tham vọng này.

Sau thời gian dài hoạt động mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách chất lượng cao tại khu vực phía Nam, Futa Corp đã lấn sân sang mảng bất động sản với CTCP Bất động sản Phương Trang (Futa Land) vào tháng 8/2010.

Theo giới thiệu, Phương Trang đã thực hiện một số dự án như Đà Nẵng Plaza, New Peal, Royal Garden 1 và 2, Khải Thông Plaza… Tập đoàn này cũng đang là chủ đầu tư nhiều dự án khác ở Đà Nẵng như Đà Nẵng Times Square…

Trong năm 2021 và 2022, Tập đoàn Phương Trang đã mang nhiều dự án làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội – SHB.

Không dừng lại ở mảng vận chuyển, bất động sản, Tập đoàn Phương Trang còn muốn lấn sân sang lĩnh vực sản xuất ô tô bằng việc lập ra CTCP Nam Kim Long Cần Thơ. Công ty này có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Phương Trang nắm 50% vốn, hai pháp nhân khác trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Nguyễn Hữu Luận nắm 50% còn lại.

Điểm đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT của Nam Kim Long Cần Thơ là ông Trương Đình Trung – người được biết đến là Chủ tịch của Kim Long Nam.

Kim Long Nam trong giai đoạn 2017 – 2019 gây “bão” bằng việc giới thiệu hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Đà Nẵng. Có dự án được tập đoàn này giới thiệu với mác T&T của Tập đoàn T&T.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, các dự án mà Kim Long Nam giới thiệu đều do Tập đoàn Phương Trang làm chủ đầu tư và đều được thế chấp tại SHB. Có lẽ, thương hiệu Kim Long Nam được Phương Trang lập ra khi mà Tập đoàn của ông Nguyễn Hữu Luận đang vướng lùm xùm trong vụ kiện của bà Hứa Thị Phấn.

PV