Tập đoàn Thái Lan đằng sau KCN lớn nhất tỉnh Thanh Hóa: Đề xuất đầu tư loạt dự án KCN hàng trăm, nghìn héc ta, từng tố doanh nghiệp của Shark Liên 'lật kèo'
WHA đang điều hành khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 tại tỉnh Nghệ An, đề xuất đầu tư loạt dự án Khu công nghiệp ở Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên.
Dự án KCN lớn nhất Thanh Hóa
Ngày 20/05, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Phú Quý, nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Khu công nghiệp Phú Quý nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, với tổng diện tích lập quy hoạch là 540ha. Trong đó, Hoằng Kim (27,2ha), Hoằng Trinh (16,40 ha), Hoằng Sơn (13,80 ha), Hoằng Quý (219,2ha), Hoằng Xuyên (128,7ha), Hoằng Cát (48,5ha) và Hoằng Quỳ (86,2ha).
Dự án có một mặt giáp đường giao thông Quỳ Xuyên và cụm công nghiệp Phú Quý, một mặt giáp hành lang an toàn đường sắt và Quốc lộ 1.
Với tổng diện tích lên đến 540 ha, Khu công nghiệp Phú Quý là khu công nghiệp mới lớn nhất tại Thanh Hóa, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (chỉ nhỏ hơn khu công nghiệp Bỉm Sơn 566ha và khu công nghiệp Sao Vàng 550ha đã quy hoạch và đi vào hoạt động).
Quy mô lao động dự báo lao động trong khu công nghiệp khoảng 36.000 - 58.500 người.
Dự án do Tập đoàn WHA Thái Lan đầu tư xây dựng hạ tầng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện đầu tư gần 200 ha tại các xã Hoằng Qùy, Hoằng Cát, Hoằng Xuyên và Hoằng Qúy.
Đề xuất đầu tư loạt KCN từ vài trăm đến hàng nghìn ha
Theo giới thiệu trên website, Tập đoàn WHA là nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp tại Thái Lan.
WHA Industrial Development - công ty con trực thuộc tập đoàn WHA đang phát triển 12 bất động sản khu công nghiệp (11 khu công nghiệp ở Thái Lan và 1 ở tỉnh Nghệ An, Việt Nam) có tổng diện tích bề mặt các khu công nghiệp là 11.380 ha và 765.000 m2 nhà xưởng xây sẵn, khu vực hậu cần.
Khách hàng của WHA Industrial Development hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: công nghiệp ô tô, hóa dầu và các ngành công nghiệp khác với tổng số 886 khách hàng, trong đó 293 khách hàng là các nhà sản xuất oto đã ký 482 hợp đồng, công ty có tổng cộng 1.455 hợp đồng thuê đất và nhà máy, tổng số vốn đầu tư từ tất cả các khách hàng đạt 43,1 tỷ USD.
Tại Việt Nam, WHA đang điều hành khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 tại tỉnh Nghệ An. Giai đoạn 1, khu công nghiệp có diện tích 498ha với hệ thống cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư công nghiệp cùng với các dự án khu dân cư và thương mại. Sau khi hoàn thành, khu công nghiệp có tổng diện tích 2.100ha. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, được phát triển từ năm 2017.
Ngoài ra, tại Thanh Hóa, hồi tháng 1, Tập đoàn WHA và Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư Dự án Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa.
Tại Quảng Nam, Tập đoàn WHA đề xuất đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp phía Tây cao tốc đoạn qua huyện Thăng Bình với quy mô diện tích khoảng 400 ha. Trong tháng 3 năm nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép Tập đoàn nghiên cứu đề xuất dự án.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tháng 3/2024, Tập đoàn WHA đề xuất đầu tư Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Châu Đức có quy mô 1.200ha tại địa phương này.
Tại tỉnh Thái Nguyên, hồi tháng 6/2023, Tập đoàn WHA mong muốn được khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư khu công nghiệp tại huyện Đồng Hỷ với diện tích từ 300 ha đến 500 ha.
Đại diện tập đoàn cho biết mục tiêu trong 5 năm tới đầu tư ít nhất 1 tỷ USD để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh tại Việt Nam. Doanh nghiệp dự kiến thu hút thành công các dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.
Tố doanh nghiệp của Shark Liên lật kèo
Cuối tháng 9/2021, công ty WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP), đơn vị thành viên của Tập đoàn WHA công bố Công ty WHAUP (SG) 2DR, một công ty con của WHAUP, đã gửi đơn kiện Aqua One, doanh nghiệp do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Tất Thắng lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến vi phạm không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua bán cổ phần.
Vào tháng 10/2019, WHAUP (SG) 2DR đã chi ra khoảng 1.886 tỷ đồng để mua lại 34% vốn điều lệ của CTCP Nước mặt Sông Đuống từ ông Đỗ Tất Thắng.
Theo thỏa thuận mua bán cổ phần, WHAUP (SG) 2DR được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình trong CTCP Nước mặt Sông Đuống cho Aqua One, cổ đông lớn của công ty Sông Đuống, với giá mà WHAUP (SG) 2DR đã thanh toán đối với các cổ phần đó cộng với giá vốn ghi sổ theo quy định trong hợp đồng mua bán cổ phần, nếu công ty này không chuyển cho WHAUP (SG) 2DR giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi trước ngày 25/10/2020, với nội dung nâng công suất dự án khai thác CTCP Nước mặt Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.
Dù vậy, CTCP Nước mặt Sông Đuống, Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng đã không cung cấp được bản đăng ký sửa đổi cho WHATUP (SG) 2DR theo như thoả thuận trước đó.
Do đó, ngày 23/11/2020, công ty WHAUP (SG) 2DR đã gửi thông báo cho Aqua One, về việc WHAUP sẽ thực hiện quyền bán lại cổ phần trong CTCP Nước mặt Sông Đuống cho Aqua One. Theo thỏa thuận, Aqua One có nghĩa vụ mua cổ phần từ WHAUP (SG) 2DR trước ngày 7/6/2021 tuy nhiên, tính đến thời điểm WHA gửi thông báo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nêu trên.
Do đó, WHAUP đã đệ đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào ngày 30/9/2021 và yêu cầu Aqua One thực hiện nghĩa vụ của mình theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán cổ phần.