Tập đoàn Thái Tuấn đổi chủ

Ngoài việc ông Thái Tuấn Chí không còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn, cổ phần của công ty cũng đang do cá nhân khác sở hữu cho thấy tập đoàn Thái Tuấn đã đổi chủ.

tap-doan-thai-tuan-doi-chu-antt-1683359700.JPG
 

CTCP Tập đoàn Thái Tuấn là một trong những doanh nghiệp dệt may lâu đời ở Việt Nam với gần 3 thập kỷ hoạt động. Theo tìm hiểu, công ty được thành lập từ năm 1993 tại địa bàn TP.HCM. Từ ngày thành lập đến nay, công ty chỉ chuyên sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may và luôn chú trọng phát triển thị trường trong nước. 

Sự hình thành và phát triển của Thái Tuấn Fashion gắn liền với ông Thái Tuấn Chí (SN 1963). Tháng 6/2016, Tập đoàn này lập ra CTCP vải thời trang Minh Bảo với vốn điều lệ 8 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Tập đoàn Thái Tuấn nắm 98%, 2 cổ đông họ Thái là Thái Ngọc Anh và Thái Kim Cúc mỗi người nắm 1%. Tuy nhiên, công ty này đã giải thể chỉ sau 6 tháng thành lập.

Năm 2020, nội bộ Tập đoàn Thái Tuấn có biến động mạnh khi ông Thái Tuấn Chí không còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Người thay thế ông Chí đảm nhiệm các chức vụ trên là ông Trần Hoài Nam (SN 1983).

Một dữ liệu của PV cho thấy, ông Nam cũng là người nắm cổ phần chi phối tại Tập đoàn Thái Tuấn.

Những động thái này dường như cho thấy, Tập đoàn Thái Tuấn không còn thuộc sở hữu của “nhà họ Thái” mà đã đổi sang chủ mới.

Cùng với động thái rời Tập đoàn Thái Tuấn, ông Thái Tuấn Chí trong tháng 6/2020 đã lập ra CTCP đầu tư khởi nghiệp Thái Tuấn với vốn điều lệ 168 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, công ty này trong tháng 11/2022 đã có quyết định giải thể vì lý do thị trường khó khăn, công ty không thể kinh doanh theo kế hoạch đề ra.

Đầu năm 2021, ông Chí cònlập ra CTCP đầu tư Thái Tuấn với vốn điều lệ 68 tỷ đồng, ông Chí nắm 86,6% vốn điều lệ và cũng là Tổng giám đốc công ty. Đến tháng 8/2021, công ty này đổi tên thành CTCP đầu tư Thái Chí.

Sau khi Tập đoàn Thái Tuấn có động thái đổi chủ, công ty đã có những bước chuyển biến đáng kể thông qua việc liên tục tăng vốn điều lệ từ 95,8 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng vào tháng 11/2020 và 1.680 tỷ đồng vào tháng 8/2021.

Động thái liên tục tăng vốn điều lệ của Tập đoàn Thái Tuấn dường như để tập đoàn đủ vốn điều lệ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư hàng loạt dự ántại Long An như Nhà máy hoàn tất sản phẩm may và may mặc Thái Tuấn tại KCN Phúc Long (huyện Bến Lức) với tổng vốn 1.200 tỷ đồng, dự án Nhà máy may công nghệ cao Thái Tuấn tại KCN Long Hậu (huyện Cần Giuộc) với vốn đầu tư 600 tỷ đồng, dự án Nhà máy sản xuất vải may mặc Thái Tuấn tại KCN Anh Hồng (huyện Đức Hoà) với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Và đặc biệt trong tháng 6/2022, Tập đoàn Thái Tuấn đã khởi công dự án Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn với tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng.

Việc đầu tư nhiều dự án với mức đầu tư lớn, Tập đoàn Thái Tuấn cần huy động nguồn vốn không nhỏ. Trong năm 2021, Tập đoàn này có 2 đợt phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng với lãi suất 11%, thời hạn 1 năm (đáo hạn năm 2022).

Để đảm bảo cho các đợt phát hành, ông Trần Hoài Nam đã dùng cổ phần sở hữu tại Tập đoàn Thái Tuấn để thế chấp cho ngân hàng.

Dù đã quá hạn trả nợ, nhưng Tập đoàn Thái Tuấn không thể thanh toán 800 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu, thậm chí hơn 43 tỷ đồng tiền lãi vẫn chưa thanh toán hết.

Một dữ liệu của PV cho thấy, trong tháng 3/2023, ông Trần Hoài Nam phải mang thêm 15 triệu cổ phần tại CTCP Del Tech để thế chấp tại SacomBank.

SacomBank và Tập đoàn Him Lam là những đối tác tham gia khởi công dự án Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn hồi tháng 6/2022.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT