Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tập đoàn Thiên Long sắp phát hành 800.000 cổ phiếu ESOP với giá thấp hơn 82% thị giá

Vũ Ngọc Quỳnh

TLG dự kiến phát hành mới 800.000 cổ phiếu ESOP. Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, TLG sẽ tăng vốn từ gần 778 tỷ đồng lên 786 tỷ đồng.

tap-doan-thien-long-sap-phat-hanh-800000-co-phieu-esop-voi-gia-thap-hon-82-thi-gia-antt-1694745693.png
Tập đoàn Thiên Long sắp phát hành 800.000 cổ phiếu ESOP với giá thấp hơn 82% thị giá. Ảnh minh hoạ

CTCP Tập đoàn Thiên Long (MCK: TLG) mới thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Theo đó, TLG dự kiến phát hành mới 800.000 cổ phiếu ESOP với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 82% so với thị giá 56.500 đồng/cổ phiếu (phiên sáng ngày 15/9). Đối tượng mua là Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và các vị trí quản lý của Công ty và công ty con trực thuộc TLG.

TLG cho biết số lượng cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng 2 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu dự kiến từ ngày 14/09-13/10/2023.

Dự kiến sau khi hoàn tất đợt phát hành trên, TLG sẽ tăng vốn từ gần 778 tỷ đồng lên 786 tỷ đồng.

Về tình hình doanh nghiệp, tháng 7 vừa qua, Thiên Long đã chi hơn 155 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2022 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 với tổng tỷ lệ 20% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng); trong đó, 5% là trả cổ tức còn lại năm 2022 và 15% là tạm ứng cổ tức đợt 1/2023. Trước đó, Thiên Long đã tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 30%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông công ty đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 35%, tương đương năm 2022.

Gần đây, TLG đã công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2023 với doanh thu thuần đạt 2.218 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của Thiên Long giảm 22% so với cùng kỳ, xuống 277 tỷ đồng. Tính riêng tháng 7, công ty mang về 9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gần như thấp nhất kể từ đầu năm, nhỉnh hơn 7 tỷ đồng của tháng 1.

Giải thích về kết quả kinh doanh “đi xuống”, Thiên Long cho biết nhu cầu đầu tư và dự trữ nhóm hàng văn phòng phẩm tại các điểm bán (POS) không tăng nhiều so với năm ngoái. Kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt với OEM (đơn vị chuyên thực hiện các công việc sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác) cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ bối cảnh ảm đạm của thị trường quốc tế.

Hà Anh (t/h)