Tập đoàn TMĐT khiến Alibaba, Amazon đứng ngồi không yên: Chưa đầy 2 năm đã mở rộng tới 49 quốc gia, sở hữu 870 triệu người dùng, hơn 13 triệu thương nhân
Tập đoàn này muốn thay đổi cách mua sắm trên toàn thế giới.
Chiến dịch quảng cáo “mua sắm như tỷ phú” của công ty thương mại điện tử Temu diễn ra khắp nơi. Tất cả các sản phẩm đều được chuyển đến từ Trung Quốc, dưới danh nghĩa công ty mẹ PDD Holdings - tập đoàn tham vọng đang mở rộng hoạt động bán lẻ nhanh nhất lịch sử.
Với Temu, PDD muốn thay đổi cách mua sắm trên toàn thế giới: một phiên bản ‘Amazon thứ hai’ nhanh hơn, gọn hơn, rẻ hơn lan rộng từ Trung Quốc tới 49 quốc gia sau chưa đầy 2 năm hoạt động. Động lực phần lớn đến từ chính sách quảng cáo, nơi thuật toán và AI dự đoán được ý tưởng và mong muốn của người mua hàng. Sản phẩm được vận chuyển miễn phí trực tiếp từ cổng nhà máy Trung Quốc, giúp loại bỏ khâu trung gian và đảm bảo giá cực cạnh tranh.
PDD đã ghi nhận hơn 870 triệu người dùng đang hoạt động trong nước. Hơn 13 triệu thương nhân tạo ra 1/3 tổng lưu lượng bưu kiện trên toàn đại lục. Hàng chục tỷ gói hàng được gửi đi mỗi năm.
Chỉ sau 9 năm hoạt động, PDD hiện đang cạnh tranh với tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba cả về quy mô bán lẻ lẫn vốn hóa thị trường chứng khoán. Vị thế khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi thay vì câu trả lời.
Chẳng hạn, tại sao PDD trông giống các công ty nhỏ cùng ngành nếu so sánh trình độ nhân viên và chi tiêu nghiên cứu? Tại sao các đối thủ cạnh tranh chưa mô tả tác động từ sự trỗi dậy của PDD? Bằng cách nào một công ty trị giá 200 tỷ USD lại sở hữu tài sản cứng trị giá dưới 150 triệu USD? Do đâu các nhà đầu tư Mỹ lại tin tưởng PDD nhiều đến vậy?
Đáp lại, người phát ngôn của PDD khuyến khích Financial Times “xem xét các báo cáo tài chính và các cuộc họp thu nhập để có được cái nhìn toàn diện”.
Ít công ty nào hứa hẹn nhiều với các nhà đầu tư như PDD. Tập đoàn hoạt động giống như thị trường bên thứ ba của eBay và Amazon, kết nối người mua với người bán để thu lợi nhuận từ mỗi giao dịch và tính phí quảng cáo trên nền tảng.
Trong quý gần đây nhất, doanh thu tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó lên 9,4 tỷ USD. Dòng tiền trị giá 2,5 tỷ USD được ghi nhận, ngay cả sau khi PDD ‘ném’ một khoản tiền rất lớn vào việc mở rộng Temu.
Được biết, dịch vụ logistics, máy chủ và trung tâm cuộc gọi dịch vụ khách hàng của PDD hầu hết đều thuê ngoài, phù du và không được thống kê. Sự mờ ám kéo dài bên trong doanh nghiệp. Nhân viên sử dụng bút danh và biết rất ít về các đội khác. Điều này là đặc trưng của Colin Huang, một cựu kỹ sư Google, người đã thành lập Pinduoduo vào năm 2015 và giấu quyền sở hữu của mình trong suốt một khoảng thời gian dài.
Ban đầu, PDD thu hút người dùng bằng các trò chơi thương mại, bắt chước những tựa game gây nghiện như Farmville và Candy Crush. Kết hợp với các phần thưởng, phiếu giảm giá, hướng đi này được cho là sẽ thu hút người tiêu dùng quay lại ứng dụng và mua sắm.
Đến năm 2018, ứng dụng thu hút được 300 triệu khách hàng và chỉ sau 3 năm hoạt động đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, huy động được 1,7 tỷ USD.
Trong năm 2020 và 2021, PDD bán được lượng hàng hóa trị giá 2 tỷ USD, song không tiết lộ nhiều thông tin liên quan. Người sáng lập Huang, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, bất ngờ từ chức vào năm 2021 với tuyên bố mong muốn nghiên cứu khoa học thực phẩm và khoa học đời sống. Vị trí bỏ ngỏ sớm được thay thế bởi đồng giám đốc điều hành, Chen và Jiazhen Zhao.
Có lẽ bí ẩn lớn nhất về PDD là tập đoàn này thực sự lớn đến mức nào. Các nhà phân tích ước tính tổng GMV năm ngoái rơi vào khoảng 500 tỷ USD đến 700 tỷ USD. Trả lời trong một báo cáo thu nhập hồi năm 2022, Chen cho biết mức độ tương tác của người dùng đã góp phần vào tăng trưởng thu nhập.
Temu hiện đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và một số nước châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh. Đây cũng là ứng dụng mua sắm miễn phí được tải xuống nhiều nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong vòng vài tháng kể từ khi ra mắt hồi tháng 7.
“Chúng tôi đã đổi mới trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Cách tiếp cận được người tiêu dùng trên toàn cầu đón nhận nồng nhiệt, đồng thời củng cố vị thế, danh tiếng của chúng tôi”, đại diện PDD nói.
Sự trỗi dậy của PDD trong một thị trường thương mại điện tử vốn vô cùng đông đúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều các nhà đầu tư cũng như đối thủ nội địa lâu đời, trong đó có Alibaba và JD.com. Jack Ma thừa nhận tập đoàn phải chuyển đổi, trong khi người sáng lập JD Richard Liu khẳng định “nếu JD không tiến lên, chúng ta sẽ không còn đường”.
Với Pinduoduo, người tiêu dùng là trên hết. Khách hàng có thể được hoàn tiền ngay lập tức mà không cần trả lại sản phẩm nếu không hài lòng với chất lượng - chiến lược giúp hãng ‘thu phục’ một lượng lớn fan trung thành. Nó cũng giúp phân biệt mô hình của PDD với Alibaba - tập đoàn vốn đặt nhiều gánh nặng lên người mua trong các tranh chấp với người bán.
Tuy nhiên, theo Jacob Cooke, đồng sáng lập kiêm CEO của WPIC Marketing and Technologies, một số người tiêu dùng vẫn ngần ngại mua các sản phẩm đắt tiền trên Pinduoduo do “hàng giả vẫn tràn lan trên nền tảng”.
“Một số thương hiệu đã sử dụng Pinduoduo như một phương tiện để tiếp cận khách hàng mới và loại bỏ hàng tồn kho, giống như một trung tâm mua sắm kỹ thuật số. Tuy nhiên, số lượng vẫn ở mức thấp”, Cooke nói.
Đáp lại, PDD khẳng định công ty đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ cũng như quy trình chống hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng. “Chúng tôi nhanh chóng loại bỏ và điều tra mọi mặt hàng vi phạm ngay khi tiếp nhận thông tin”, đại diện Pinduoduo nói.
Theo: FT, Bloomberg