TEG muốn 'rót' thêm vốn vào chủ đầu tư dự án suối nước nóng Hội Vân

HĐQT Năng lượng và Bất động sản Trường Thành đã thông qua việc góp thêm vốn tại Onsen Hội Vân.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (MCK: TEG) đã ban hành Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐQT thông qua việc góp thêm vốn vào công ty con.

Cụ thể, TEG dự kiến góp thêm 25,2 tỷ đồng vào Công ty TNHH Onsen Hội Vân. Tổng số vốn góp thuộc sở hữu của Năng lượng và Bất động sản Trường Thành tại Onsen Hội Vân là 115,2 tỷ đồng, tương ứng 60% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Thời gian dự kiến góp thêm là từ ngày 7/2/2025- 6/2/2026.

HĐQT giao ông Đặng Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT công ty triển hai việc góp thêm vốn tại Onsen Hội Vân và toàn quyền quyết định các vấn đề phát sinh liên quan đến việc góp thêm vốn này theo quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích của công ty.

Bên cạnh đó, TEG cũng giao ông Đặng Trần Quyết có quyền đại diện và thay mặt cho công ty tham gia quản lý toàn bộ phần vốn góp 115,2 tỷ đồng tại Onsen Hội Vân.

Ông Đặng Trần Quyết từng là Phó Tổng Giám đốc TEG trong giai đoạn 1/7/2020 - 1/4/2024, đồng thời người có liên quan của Chủ tịch HĐQT TEG Đặng Trung Kiên.

Tháng 12/2023, ông Đặng Trần Quyết thay ông Đặng Trung Kiên trở thành Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật của Onsen Hội Vân.

Onsen Hội Vân được thành lập từ năm 2021 bởi TEG và CTCP Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 60% và 40% nhằm thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân.

TEG muốn 'rót' thêm vốn vào chủ đầu tư dự án suối nước nóng Hội Vân- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án khu du lịch suối nước nóng Hội Vân. Ảnh: Onsen Hội Vân

Dự án có quy mô 42ha tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Trong đó, phân khu đầu tiên triển khai là khu du lịch suối nước nóng và dân cư Hội Vân gồm Trung tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt, các khách sạn nghỉ dưỡng, 371 sản phẩm biệt thự khoáng nóng sở hữu lâu dài và khu hồ tắm khoáng tự nhiên trên diện tích hơn 17ha.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2026.

Quay trở lại với Năng lượng và Bất động sản Trường Thành, doanh nghiệp này hoạt động đa ngành, hướng chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi là Năng lượng và Bất động sản.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý IV/2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp vỏn vẹn 9,14 tỷ đồng, giảm tới 96,75% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ tiết giảm giá vốn bán hàng từ mức 255,2 tỷ đồng về mức 6,7 tỷ đồng, TEG vẫn có lãi gộp gần 2,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 684 triệu đồng lên hơn 23,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại giảm gần 71,7%, về còn 1,4 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế phí, TEG báo lãi ròng quý cuối năm 2024 ở mức 1,5 tỷ đồng, giảm 86,55%.

Mặc dù doanh thu quý IV/2024 giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhưng nhờ 3 quý đầu năm kinh doanh có hiệu quả, doanh thu thuần lũy kế cả năm 2024 chỉ giảm 8,2% so với năm 2023, ở mức 298,8 tỷ đồng.

Giá vốn 279,2 tỷ đồng gần bằng doanh thu kéo lợi nhuận gộp về mức 19,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gộp gần 35,4 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 121,6 tỷ đồng về còn 43,4 tỷ đồng do giảm lãi thanh lý các khoản đầu tư và không ghi nhận lãi tiền cho vay.

Ngoài ra, trong năm 2024, TEG còn ghi nhận khoản chi phí khác lên tới 19,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 1,2 tỷ đồng. Theo thuyết minh BCTC, nguyên nhân đến từ khoản thuế bị phạt, bị truy thu năm 2024 lên tới gần 17 tỷ đồng và chi phí phạt vi phạm hợp đồng gần 2,5 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp báo lãi ròng năm 2024 ở mức gần 5,8 tỷ đồng trong khi năm 2023 có lãi gần 81,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2024 hơn 8 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2204, tổng cộng tài sản của TEG gần 1.736,8 tỷ đồng, tăng 568,6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; chủ yếu do tăng vốn chủ sở hữu.

Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 403,2 triệu đồng lên gần 62,7 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 350,2 tỷ đồng lên 783,7 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến cuối năm 2204 ở mức hơn 195,7 tỷ đồng, hầu hết đến từ Dự án suối nước nóng Hội Vân (195 tỷ đồng).

TEG muốn 'rót' thêm vốn vào chủ đầu tư dự án suối nước nóng Hội Vân- Ảnh 2.

Nguồn: BCTC quý IV/2024 TEG

BCTC quý IV/2024 của TEG còn ghi nhận, tính đến ngày 31/12/2024, Onsen Hội Vân cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long vay 42,6 tỷ đồng theo Hợp đồng vay vốn số 0812/2021/HDVV/ONSEN-DDTL ngày 8/1/2021 với lãi suất 3%/năm.

Bạch Hiền

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT