Textaco và mối quan hệ với Delta Group của doanh nhân Trần Nhật Thành

Không chỉ sở hữu lượng lớn cổ phần tại Textaco, các thành viên thuộc "nhóm Delta" cũng đang giữ nhiều chức vụ quan trọng tại doanh nghiệp này.

CTCP Vải sợi May mặc miền Bắc (Textaco, MCK: TET) tiền thân là Tổng Công ty vải sợi may mặc thuộc Bộ Thương Mại, chuyên sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu hàng dệt may, vải sợi, thuốc nhuộm, hàng đồ da, giả da,... tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Mặc dù hoạt động kinh doanh không thực sự nổi bật, tuy nhiên TET đang nắm trong tay những khu đất “vàng” đáng mơ ước tại Hà Nội như: 12.407 m2 đất kho và xưởng đặt tại 79 Lạc Trung (Hai Bà Trưng); Tổng kho Đức Giang (Long Biên) với diện tích hơn 25.000 m2 hay đất tại Tổng kho Giáp Bát có diện tích khoảng 3.700m2…

ĐHCĐ bất thường diễn ra vào cuối tháng 11/2016 của TET đã chấp thuận cho nhóm nhà đầu tư Delta Group, bao gồm: CTCP Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta, CTCP Xây dựng và Ứng dụng Công nghệ Delta- V và bà Nguyễn Thị Kim Dung được sở hữu đến tối đa 79% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty (4,51 triệu cổ phiếu) mà không cần chào mua công khai.

Ngay sau khi được chấp thuận, nhóm Delta đã tích cực "gom" cổ phiếu TET và đến cuối năm 2016, CTCP Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta và CTCP Xây dựng và Ứng dụng Công nghệ Delta- V nắm giữ tổng cộng 70% vốn tại Textaco. 

Từ đó đến nay, nhóm Delta của doanh nhân Trần Nhật Thành luôn duy trì sở hữu lượng cổ phần chi phối tại TET. Theo Báo cáo quản trị năm 2023 của TET, nhóm Delta đang nắm giữ tới 82,11% vốn doanh nghiệp này. Trong đó, Công ty TNHH tập đoàn Xây dựng Delta 35%, Công ty CP xây dựng và ứng dụng công nghệ Delta-V 35% và ông Phạm Hoàng Long (Tổng Giám đốc TET) 12,11%.

Ông Phạm Hoàng Long được biết đến là con rể vợ chồng doanh nhân Trần Nhật Thành- Nguyễn Thị Kim Dung. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT của TET là bà Nguyễn Thị Diệu Thùy cũng người có nhiều mối liên hệ với Delta Group của Chủ tịch Trần Nhật Thành.

Sau khi có sự tham gia đầu tư từ nhóm Delta, TET đã công bố triển khai dự án Tổ hợp văn phòng, thương mại dịch vụ căn hộ để bán hoặc cho thuê (tên gọi thương mại Red River View) tại số 79 Lạc Trung. 

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được triển khai từ năm 2017 - 2020, với quy mô 24 tầng nổi, 3 tầng hầm và tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án vẫn chưa thể triển khai.

textaco-va-moi-quan-he-voi-delta-group-cua-doanh-nhan-tran-nhat-thanh-antt-1717734833.png
Delta Group sở hữu nhiều đất vàng giá rẻ tại Hà Nội thông qua việc mua cổ phần các công ty nhà nước. Ảnh minh họa

Ngoài lô đất 79 Lạc Trung, Delta Group của đại gia Trần Nhật Thành còn "gom" một lô đất vàng khác ngay cạnh đó thông qua việc sở hữu cổ phần tại Công ty CP đầu tư và xây lắp Nhật Anh- đơn vị quản lý, sử dụng khu đất 605 Minh Khai.

Doanh nghiệp từng được biết đến là công ty con của Công ty CP đầu tư xây lắp thương mại I- doanh nghiệp của Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương). 

Tháng 9/2017, cổ đông nhà nước là Công ty CP đầu tư xây lắp thương mại I và 4 cổ đông sáng lập khác đã thoái toàn bộ vốn tại Nhật Anh.

Lúc này người đại diện pháp luật của Công ty là ông Trần Ngọc Hà (SN 1961). Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 8/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được điều chỉnh tăng từ 20 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng. 

Không chỉ đại diện tại Công ty Nhật Anh, ông Trần Ngọc Hà còn được biết đến là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tạp phẩm và Bảo hộ lao động (Sunprotexim)- doanh nghiệp có nhiều mối liên hệ với Delta Group. Ngoài ra, ông Hà còn từng là cổ đông tại TET, tuy nhiên đã tiến hành thoái hết vốn trong nửa đầu năm 2023.

Đáng chú ý, sau khi nhóm Delta nắm quyền kiểm soát tại TET và Công ty Nhật Anh, 2 doanh nghiệp này đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Cụ thể, 2 doanh nghiệp này dự kiến gộp 2 khu đất 79 Lạc Trung và 605 Minh Khai để thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng làm việc và chung cư cao tầng.

Kế hoạch phát triển dự án Red River View sau đó cũng thay đổi theo. Việc gộp 2 khu đất lại làm tăng quy mô dự án lên 1,63 ha, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên mức gần 1.900 tỷ đồng. 

Về nguồn vốn, giai đoạn 1 TET góp 75% tương ứng 283 tỷ đồng và Công ty Nhật Anh góp 25% vốn tương ứng 95 tỷ đồng. Giai đoạn 2 các bên thỏa thuận giá trị phần vốn góp của mỗi bên dựa trên diện tích và đơn giá xây dựng.

Bạch Hiền
An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT