TGĐ công ty dầu khí vừa bị bắt giam: Gay cấn thương vụ "thuyền to ra biển lớn" với đối tác Nhật và bê bối kiện tụng tự tăng lương - bị đuổi việc
Ông Tùng cho biết, Pacific Petro và Air Water giống nhau ở tư duy và định hướng kinh doanh. Đây chính là cơ sở để 2 bên tin rằng sẽ cùng nhau đạt được kế hoạch và mang lại lợi ích bền vững cho cả hai bên, như thông điệp của Pacific Petro “hợp tác dài lâu, cùng nhau phát triển”.
BẮT GIAM TGĐ PACIFIC PETRO
Ngày 18/6, Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thanh Tùng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương - Pacific Petro) để điều tra về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nội dung vụ việc, Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương được thành lập năm 2019. Đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Tùng với vốn điều lệ 500 triệu đồng, trong đó Công ty Thái Bình Dương (chiếm 50%), ông Nguyễn Thanh Tùng (chiếm 25%), bà Nguyễn Thị Trinh (vợ ông Tùng, chiếm 25%).
Ngày 9/10/2019, Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương bán cổ phần cho Công ty Air Water Inc (AWI) - đại diện ủy quyền là ông Murakami Masataka), cổ đông gồm Công ty AWI (chiếm 51%), ông Nguyễn Thanh Tùng (chiếm 48,94%), bà Nguyễn Thị Trinh (chiếm 0,06%). Ông Nguyễn Thanh Tùng là người đại diện theo pháp luật.
Từ ngày 26/6/2020 - 30/12/2020, ông Nguyễn Thanh Tùng đã duyệt ký tạm ứng cho bản thân với tổng số tiền 60 tỷ đồng. Khi tạm ứng, ông Tùng chỉ có phiếu đề nghị tạm ứng, không cung cấp các hồ sơ, tài liệu thể hiện mục đích tạm ứng.
Theo cơ quan điều tra, số tiền tạm ứng, ông Tùng không sử dụng vào mục đích kinh doanh của công ty, mà dùng để trả nợ tiền vay, góp vốn đầu tư, hoàn ứng cho công ty khác.
Kết luận giám định xác định hành vi vi phạm trong việc tạm ứng nhằm mục đích cá nhân của ông Nguyễn Thanh Tùng dẫn đến thiệt hại số tiền 878 triệu đồng.
THƯƠNG VỤ "THUYỀN TO RA BIỂN LỚN" ĐƯA ĐẾN NHỮNG CUỘC CHIẾN
Về thương vụ hợp tác với Air Water Inc, trước đây, trong một bài phỏng vấn với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn năm 2020, ông Nguyễn Thanh Tùng đã gọi đây là "lương duyên" mà Pacific Petro đã kỳ vọng và chuẩn bị từ lâu vì mục tiêu ra biển lớn. Hợp tác với Air Water chính là bước Pacific Petro đóng thuyền to để ra biển lớn đó.
Ông Tùng kể lại thương vụ này từ thời điểm gặp gỡ, đàm phán đến kết thúc chỉ 12 tháng. Có thể xem là thời gian ngắn trong các thương vụ của các doanh nghiệp Nhật.
Theo ông, điểm mấu chốt chính là ở sự chuẩn bị và sẵn sàng của bản thân người chủ. Từ nhiều năm trước, khi bắt đầu với Pacific Petro, ông đã xác định rất rõ là sẽ kêu gọi nhà đầu tư, do vậy, ngay từ đầu, Pacific Petro đã xây dựng doanh nghiệp theo các chuẩn mực.
Công ty được vận hành trên nguyên tắc minh bạch, công khai, chỉ có một hệ thống sổ sách kế toán. Bên cạnh đó là tầm nhìn chiến lược, định hướng thị trường rõ ràng, cụ thể.
Ông cũng nhấn mạnh rằng tuy Air Water Inc nắm quyền chi phối Pacific Petro nhưng ông vẫn là người điều hành công ty. Đối tác Nhật tham gia Hội đồng quản trị để quyết định các chiến lược kinh doanh, còn ông là người hiện thực hóa tất cả các kế hoạch đó.
Theo ông Tùng, bên Air Water sẽ giúp Pacific Petro hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư sẽ giúp công ty có thêm nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các ý tưởng đầu tư, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Pacific Petro chọn doanh nghiệp Nhật Bản vì có sự tương đồng về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã chứng minh sự vượt trội về trình độ quản lý, sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật, chặt chẽ trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm… so với các công ty đến từ các nước trong khu vực.
Ông Tùng cho biết, Pacific Petro và Air Water giống nhau ở tư duy và định hướng kinh doanh. Đây chính là cơ sở để 2 bên tin rằng sẽ cùng nhau đạt được kế hoạch và mang lại lợi ích bền vững cho cả hai bên, như thông điệp của Pacific Petro “hợp tác dài lâu, cùng nhau phát triển”.
LÙM XÙM KIỆN TỤNG BỊ CHO THÔI VIỆC VÌ TỰ TĂNG LƯƠNG
Ngày 7/7/2023, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Tùng kiện Pacific Petro ra tòa, vì công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Theo bản án sơ thẩm, ngày tháng 4/2021, ông Nguyễn Thanh Tùng có đơn khởi kiện, trình bày nội dung: Tháng 1/2020, ông Katsumi Kajiwara (Chủ tịch HĐQT công ty) thay mặt HĐQT Công ty Pacific Petro ký kết hợp đồng lao động với ông Tùng. Nội dung bản hợp đồng thể hiện ông Tùng làm việc tại Pacific Petro với chức danh Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Thời hạn của hợp đồng là ba năm, đồng nghĩa ông Tùng sẽ giữ chức Tổng giám đốc đến tháng 1/2023.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng ngày 23/2/2021, tại cuộc họp HĐQT, ông Masataka Murakami (Thành viên HĐQT) cùng 20 người đã dùng áp lực và ép buộc ông Tùng phải giao con dấu, giấy chứng nhận kinh doanh và bàn giao lại hồ sơ, các phòng ban của công ty. Sau đó ông Tùng không được vào công ty để làm việc.
Cùng ngày trên, phía công ty cũng ban hành quyết định về việc bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tùng.
Theo ông Tùng, việc làm của ông Kajiwara là vi phạm quy định pháp luật về lao động, vi phạm hợp đồng lao động đã ký. Việc Công ty Pacific Gas đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án được mở hồi tháng 1/2023, HĐXX xác định việc Pacific Gas ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông Nguyễn Thanh Tùng thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Tòa sơ thẩm tuyên buộc công ty phải nhận ông Nguyễn Thanh Tùng trở lại làm việc theo hợp đồng lao động cho đến hết thời hạn thỏa thuận.
HĐXX cũng cho rằng do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định nên việc ông Tùng yêu cầu phía công ty phải thanh toán các khoản là phù hợp quy định pháp luật. Tòa tuyên buộc công ty phải trả cho ông Tùng các khoản tổng số tiền là hơn 5,4 tỉ. Trong đó, tiền lương những ngày ông Tùng không được làm việc công ty phải trả là hơn 4,7 tỉ.
Theo Tuổi trẻ, ngoài nội dung ông Tùng khởi kiện công ty vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thì phía công ty cũng có đơn phản tố đối với ông Tùng.
Theo nội dung đơn phản tố và trình bày của bị đơn tại phiên tòa thì lý do công ty sa thải vì ông Tùng tự nâng lương cho mình, để đối tác nợ gây thiệt hại cho công ty.
Sau khi xem xét, đánh giá các chứng cứ theo nội dung phản tố thì bản án sơ thẩm cũng tuyên buộc ông Tùng phải trả lại cho công ty số tiền 615 triệu đồng tiền thưởng cuối năm và 1,35 tỉ đồng tiền chênh lệch lương đã nhận trong thời gian làm việc.