THACO của tỷ phú Trần Bá Dương chính thức đề xuất tham gia đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổng vốn 61,35 tỷ USD
Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa gửi văn bản tới Thủ tướng đề xuất được tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo đề xuất, THACO sẽ đầu tư dự án với tổng vốn khoảng 61,35 tỷ USD.
Trong đó, 20% (tương đương 12,27 tỷ USD) là vốn tự có và vốn huy động hợp pháp trong nước. Phần còn lại, khoảng 49,08 tỷ USD, sẽ được vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. THACO kiến nghị Chính phủ bảo lãnh khoản vay này và hỗ trợ lãi suất trong 30 năm.
Doanh nghiệp cũng khẳng định không chuyển nhượng dự án, vốn góp hoặc cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn và chủ quyền công nghệ.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO
Dự án được đề xuất thực hiện theo hai giai đoạn, tổng thời gian 7 năm.
Trong đó, giai đoạn 1 kéo dài 5 năm, xây dựng hai đoạn từ TP.HCM đến Nha Trang và từ Hà Nội đến Hà Tĩnh sau khi được Nhà nước bàn giao mặt bằng sạch. Đây cũng là hai phân đoạn có nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa lớn để đưa vào vận hành, khai thác.
Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trong 2 năm tiếp theo với phân đoạn còn lại từ ga Hà Tĩnh đến ga Nha Trang, do phân đoạn này có địa hình đèo dốc, địa chất phức tạp nên cần thời gian nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả nhất.

Nhà đầu tư cũng đề xuất giá vé do Cơ quan nhà nước phê duyệt trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính và thời gian hoàn vốn cho Dự án theo quy định. Thời gian hoạt động của dự án được đề xuất là 70 năm, phù hợp với Luật Đầu tư.
Đồng thời, doanh nghiêp đề xuất được ưu tiên giao các quỹ đất để thực hiện dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Song song, được miễn thuế đối với hàng hóa (máy móc, thiết bị, phương tiện,…) trong nước chưa sản xuất
"Chúng tôi cũng cam kết phát triển các mô hình TOD một cách mẫu mực với mức giá hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ở, sinh hoạt cho đại bộ phận người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, do yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, THACO đề xuất nhà nước sẽ sở hữu một số cơ sở vật chất và đảm nhiệm một phần công việc trong quản lý vận hành. Trong trường hợp đặc biệt vì lý do an ninh Quốc gia, THACO cam kết sẽ giao Nhà nước toàn quyền sử dụng toàn bộ Dự án để phục vụ đất nước", ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO nói.
Doanh nghiệp cũng cho biết, ba tập đoàn thành viên sẽ đóng vai trò đầu mối triển khai các hạng mục cụ thể của dự án.
THACO INDUSTRIES sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tham gia sản xuất đầu máy, toa tàu, linh kiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ dự án, cũng như các phương tiện vận tải kết nối với tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
THADICO – Đại Quang Minh chịu trách nhiệm phối hợp triển khai đầu tư, xây dựng, quản lý dự án hạ tầng; thực hiện công tác vận hành, bảo trì, duy tu công trình. Đồng thời, đơn vị này sẽ đầu tư và khai thác quỹ đất phụ cận các nhà ga theo mô hình đô thị TOD (Transit Oriented Development), hình thành các khu đô thị tích hợp.
THISO sẽ cùng các đối tác trong nước đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống hạ tầng xã hội, bao gồm trung tâm thương mại, đại siêu thị Emart, trường học, bệnh viện, công viên… nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các khu vực liên quan.
Trước THACO, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed cũng đã nộp đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Hiện các cơ quan chức năng đang trong quá trình tổng hợp, đánh giá các đề xuất để báo cáo Chính phủ.