Tham gia Shark Tank Việt Nam và nổi tiếng trên truyền hình, một số 'cá mập' vướng 'lùm xùm', thậm chí có hai người bị khởi tố
Mới đây, Shark Phạm Văn Tam là người tiếp theo trong dàn 'cá mập' bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam.
Ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Văn Tam (44 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo) và ông Phạm Xuân Tình (Tổng giám đốc tập đoàn Asanzo) về tội “Trốn thuế”.
Quá trình điều tra sai phạm tại tập đoàn Asanzo, cơ quan điều tra xác định, ông Tam đã chỉ đạo ông Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên… Từ đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán các khoản liên quan đến doanh thu bán hàng cho công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của tập đoàn Asanzo.
Tiếp đó, tập đoàn Asanzo sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp hơn 15,7 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Móng Cái (Quảng Ninh), từng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo và gắn liền tên tuổi của mình với doanh nghiệp này. Vị doanh nhân gốc Quảng Ninh này thành lập tập đoàn Asanzo từ cuối năm 2013, kinh doanh sản phẩm đầu tiên là tivi, sau này mở rộng thêm các ngành hàng điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác. Với lợi thế giá rẻ và mang danh thương hiệu Việt, tivi Asanzo phủ sóng một cách thần tốc trên thị trường nội địa.
Đến năm 2019, khi trở thành một trong các "cá mập" tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông chủ Asanzo được biết đến rộng rãi hơn. Thời điểm đó, cái tên Shark Tam nổi đình đám, phủ kín các mặt báo với gương mặt một doanh nhân trẻ trung, năng động, hình mẫu thành công trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự đi xuống của ông Phạm Văn Tam và Asanzo bắt đầu kể từ năm 2019 sau những bê bối liên tiếp. Cụ thể, hồi cuối tháng 10/2019, Tổng cục Hải quan ban đầu xác định Asanzo có dấu hiệu "lừa dối người tiêu dùng", quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo.
Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công, cho nên việc sử dụng cụm từ "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" không đúng với thực tế... Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.
Về thuế, theo kết luận Thanh tra thuế hồi giữa tháng 10/2019 của Cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan cho thấy Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên để nhập hàng về bán lại cho Asanzo. Mua "linh kiện" nhưng Asanzo lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn. Cục Thuế TP.HCM sau đó có quyết định xử phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo tổng cộng 47,6 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Tam không phải là "cá mập" duy nhất vướng vào những lùm xùm sau khi tham gia chương trình Shark Tank.
SHARK KHẢI BỊ TỐ VI PHẠM ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
Vị "cá mập" đầu tiên vướng vào những lùm xùm sau khi tham gia chương trình Shark Tank phải kể đến Shark Khải (doanh nhân Hoàng Khải). Ông Hoàng Khải được chương trình Shark Tank Việt Nam công bố là 1 trong 4 nhà đầu tư khách mời (mùa 1) nhưng sau đó đã không tham gia vì lý do cá nhân.
Ông Khải được biết đến là người đã gây dựng "đế chế" Khaisilk. Được định vị là sản phẩm cao cấp, thương hiệu lụa Khaisilk đã nhanh chóng tạo dựng danh tiếng, đặc biệt với khách du lịch nước ngoài. Không chỉ sở hữu thương hiệu khăn tơ lụa Khaisilk, ông Khải còn được biết đến là chủ nhân của hàng loạt dự án bất động sản và chuỗi nhà hàng cao cấp tại TP.HCM.
Tuy nhiên, vào năm 2017, thương hiệu lụa Khaisilk dính vào vụ gian lận "hàng Tàu - nhãn Việt" khiến thương hiệu này rơi vào khủng hoảng, bị người tiêu dùng tẩy chay. Ngày 25/10/2017, ông Khải chính thức thừa nhận có bán hàng tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và sau 2 tháng kết luận, Khaisilk có nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, thậm chí có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội từ cuối năm 2017 để mở rộng điều tra. Vụ bê bối này đã đánh sập hoàn toàn thương hiệu lụa Khaisilk nổi tiếng một thời. Bản thân ông chủ Khaisilk cũng "im hơi lặng tiếng" từ đó đến nay.
SHARK THỦY NỢ NẦN CHỒNG CHẤT VÀ BỊ KHỞI TỐ
Trước Shark Tam, ông Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thủy) là người đầu tiên trong dàn "cá mập" bị khởi tố. Vị doanh nhân này nổi lên khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên và gắn với biệt danh Shark Thủy. Ông Thủy đã thực hiện hàng loạt thương vụ đầu tư và đổ nhiều triệu USD vào các công ty trên truyền hình.
Thành công lớn nhất của Shark Thủy có lẽ là xây dựng được chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam: Apax English và EnglishNow - những đơn vị thành viên thuộc công ty Apax Holdings của vị doanh nhân này. Những năm trước dịch, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng, liên tục mở trung tâm, trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua thời gian khó khăn vì đại dịch, Apax Holdings của Shark Thủy bắt đầu "lao dốc" trong kết quả hoạt động kinh doanh. Năm 2022, cả Apax Holdings và công ty mẹ là Egroup đều lỗ nặng, mắc nợ trái phiếu và không có khả năng thanh toán.
Ngoài ra, hai công ty của shark Thủy cũng vướng vào lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Hàng loạt phụ huynh đã đến Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Có thời điểm, Shark Thủy đã lên tiếng thừa nhận bế tắc, xin khất nợ từng người: "Chúng tôi thực sự khó khăn. Tôi cũng đã đối thoại với các nhà đầu tư, cổ đông, đối tác để hoãn, giãn thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận để Apax tập trung nguồn lực cho việc tái cấu trúc".
Đến năm 2023, Shark Thủy bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Đến ngày 26/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
SHARK TUỆ LÂM VÀ NHỮNG LÙM XÙM VỀ THÔNG TIN CÁ NHÂN
Lùm xùm gần đây nhất liên quan đến một "cá mập" trong chương trình Shark Tank là câu chuyện về bà Lê Hàn Tuệ Lâm (Shark Tuệ Lâm). Vị nữ doanh nhân này gây chú ý khi là nữ "cá mập" duy nhất tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 đồng thời còn là người trẻ tuổi nhất khi chỉ mới 29 tuổi, Shark Lê Hàn Tuệ Lâm đã gây chú ý trên mạng xã hội ngay từ khi mới được công bố tham gia Shark Tank.
Được biết Lê Hàn Tuệ Lâm, sinh năm 1994, quê ở Hải Dương. Hiện bà Lê Hàn Tuệ Lâm đang là Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Mỹ. Tuổi đời còn trẻ, khi tham gia Shark Tank, Shark Tuệ Lâm bị nghi ngờ về năng lực đầu tư đồng thời Shark Tuệ Lâm cũng vướng vào những lùm xùm liên quan đến thông tin cá nhân của cô, từ tên thật, trình độ học vấn, kết hôn, cho đến nhan sắc.
Một điều được bàn tán nhiều nhất, đó là tên thật của bà Lê Hàn Tuệ Lâm thực ra là Lê Thị Hồng Tươi. Nhiều bằng chứng đã được cư dân mạng tìm thấy, tuy nhiên, Shark Tuệ Lâm đã khoe giấy khai sinh để chứng minh tên Lê Hàn Tuệ Lâm. Dù vậy việc này vẫn gây tranh cãi và khiến nhiều cư dân mạng nổi giận vì bà không thừa nhận chuyện đã đổi tên.
Trước những lùm xùm trên, Shark Lê Hàn Tuệ Lâm mới đây đã lên tiếng tuyên bố: " Những thông tin cá nhân về tên tuổi, học vấn, kinh nghiệm làm việc của tôi trước khi về quỹ đều được bên thứ 3 độc lập xác nhận và chưa từng có vi phạm trong việc cung cấp thông tin không chính xác".
Đồng thời, bà Tuệ Lâm cho biết nằm trong viện cả tháng nay và đến giờ vẫn cần điều trị tại nhà, cô hi vọng mọi chuyện sẽ dừng lại và thông báo từ ngày hôm nay sẽ offline mạng xã hội, truyền thông, sự kiện và xin phép không trả lời các bài phỏng vấn trong 1-2 năm tới.