Thảm họa khi làm việc tại 1 công ty TMĐT nổi tiếng: Tất cả nhân viên không được biết tên thật của nhau, nghỉ việc nếu làm cùng lĩnh vực sẽ phải bồi thường, đã có người mất hơn 24 tỷ đồng
Rắc rối chỉ thực sự đến khi nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc.
Tại Trung Quốc, được làm việc cùng gã khổng lồ thương mại điện tử PDD là điều ước ao. Mức lương ở đây luôn được coi là thách thức đối với Alibaba - tập đoàn đối thủ với sức ảnh hưởng cũng lớn không kém.
Tuy nhiên, đối với một số nhân viên, rắc rối chỉ thực sự đến khi họ rời đi. Bí mật công ty luôn được giữ kín. Một số thậm chí còn không biết tên thật của những đồng nghiệp lâu năm.
Theo các cựu nhân viên PDD, công ty yêu cầu họ phải ký một thỏa thuận không cạnh tranh trước khi nghỉ việc vào năm 2021. Bất kỳ ai kinh doanh cùng một lĩnh vực, không gian với PDD đều sẽ bị kiện. Đã có người phải trả hơn 1 triệu USD (hơn 24 tỷ đồng) tiền bồi thường theo lệnh của tòa án.
“Tôi từng nằm trong tầng lớp trung lưu trước khi gia nhập PDD. Còn bây giờ, ngay cả khi đã gom góp hết tiền tiết kiệm, tôi cũng không thể trả số nợ”, người bị PDD kiện cho biết.
Trong những năm gần đây, Mỹ dừng việc sử dụng các điều khoản không cạnh tranh trong hợp đồng lao động. Ủy ban Thương mại Liên bang làm vậy với lý do lo ngại cản trở cạnh tranh và tổn hại người lao động.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, xu hướng lại diễn ra ngược lại. Luật Hợp đồng Lao động quy định các hạn chế không cạnh tranh chỉ nên áp dụng đối với các giám đốc điều hành cấp cao song tại một số công ty công nghệ, quy định bao trùm lên cả những nhân sự cấp thấp.
Đáp lại, PDD cho rằng mình sử dụng các thỏa thuận không cạnh tranh một cách “có giới hạn và trách nhiệm”, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp cũng như các thông lệ trong ngành. Số nhân viên cũ bị kiện trong 6 tháng tính đến tháng 2 chỉ chiếm chưa đến 2% tổng số nhân sự cũ.
PDD, công ty có 13.000 công nhân vào cuối năm 2022, cho biết chỉ một tỷ lệ nhỏ những nhân viên rời đi bị ràng buộc bởi các thỏa thuận không cạnh tranh. Những người này liên quan mật thiết đến bí mật thương mại của công ty và vì vậy, bắt buộc phải ký thỏa thuận.
Theo cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp Trung Quốc Tianyancha, trong 5 năm qua, 110 vụ kiện liên quan đến các đơn vị kinh doanh chính của PDD đã được đệ trình tại Trung Quốc. Để so sánh, Alibaba, với số lượng nhân viên gấp 18 lần PDD, cũng chỉ ghi nhận 125 vụ kiện.
Một nhân viên Temu, người từng làm việc cho ứng dụng Pinduoduo tại Trung Quốc, cho biết PDD chỉ định một đại diện giám sát từng quản lý cấp trung đã rời công ty. Công ty đôi khi còn thuê cơ quan bên ngoài để theo dõi lịch trình nhân viên: họ đi đâu, định kinh doanh gì…
Đáp lại, PDD phủ nhận và khẳng định “không tham gia vào bất kỳ hoạt động giám sát bất hợp pháp hoặc phi đạo đức nào đối với nhân viên hiện tại hoặc nhân viên cũ”.
Được biết, các thỏa thuận không cạnh tranh ở Trung Quốc có thời hạn tối đa 2 năm, yêu cầu phía công ty phải bồi thường cho người lao động trong thời gian họ không thể làm việc cho đối thủ. Huang Sha, một luật sư nhân quyền Trung Quốc cho biết người lao động thường cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ký các thỏa thuận không cạnh tranh.
Hai thỏa thuận không cạnh tranh của PDD được tờ WSJ xem xét đã liệt kê hơn 30 công ty công nghệ bị liệt vào danh sách đối thủ. Các cựu nhân viên sau khi nghỉ việc sẽ không được làm việc cho những công ty này trong một khoảng thời gian nhất định. Họ cũng bị cấm bắt đầu các dự án kinh doanh trùng lặp với hoạt động kinh doanh của PDD.
You Yunting, đối tác cấp cao của Văn phòng Luật DeBund ở Thượng Hải, cho biết phạm vi hoạt động của các công ty mà PDD coi là đối thủ đang “ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng việc làm của nhân viên”.
Nhân viên cho biết họ không được khuyến khích giao tiếp xã hội tại nơi làm việc, trong khi tương tác giữa các bộ phận được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả được khuyến khích sử dụng bút danh và không nên hỏi tên thật của nhau.
Đại diện PDD cho biết việc sử dụng bút danh sẽ khuyến khích một “văn hóa cởi mở và năng động”, đồng thời phá vỡ hệ thống phân cấp trong văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc. Tất cả chỉ nhằm mục đích thúc đẩy đổi mới và tạo ra một môi trường làm việc tích cực, hiệu quả.
Duibiao, dịch vụ cung cấp thông tin tổng hợp về lương thưởng, xếp PDD ở vị trí số 1 trên biểu đồ đo lường số giờ làm việc, cụ thể là 65 giờ một tuần. Một phụ nữ 25 tuổi cho biết mình đã phải từ chức vị trí nhân viên mua hàng sau 8 tháng vì thời gian làm việc kéo dài đến kiệt sức. Một thời gian sau, người này bị yêu cầu bồi thường cho PDD 36.000 USD vì đã nhận lời mời làm việc từ một đối thủ cạnh tranh trước khi kết thúc thời hạn 9 tháng như đã ký.
Một công nhân cấp dưới khác thì kể rằng sau khi rời PDD 4 tháng, anh bị phạt gần 59.000 USD chỉ vì PDD cho rằng vị cựu nhân viên này đã vi phạm thỏa thuận không cạnh tranh.
“Tôi nghĩ đó là một trò lừa bịp. Một công ty lớn như vậy lẽ ra không nên bận tâm đến một nhân viên nhỏ bé như tôi”, anh nói .
Một nhân viên giấu tên khác thì bị PDD kiện 1 triệu USD vì cáo buộc vi phạm thỏa thuận. Trong năm qua, anh cho biết mình đã mắc chứng trầm cảm và từng có ý định tự tử.
Theo: WSJ