Tham tán thương mại: Hãy coi EU là thị trường làm ăn lâu dài chứ không phải 'lối thoát' khi khó khăn

Tham tán Trần Ngọc Quân nhấn mạnh EU với 500 triệu dân là thị trường rộng lớn mà Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu khi thị trường Hoa Kỳ khó khăn, nhưng yêu cầu làm ăn bài bản và lâu dài.


Tham tán thương mại: Hãy coi EU là thị trường làm ăn lâu dài chứ không phải 'lối thoát' khi khó khăn- Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU.

Trong Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2025, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, chia sẻ nội dung liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu vào EU.

Ông Quân cho biết về mặt thị trường, EU hiện đang là một trong những thị trường tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam trước sức ép từ Hoa Kỳ.

EU là thị trường có sức mua lớn với 500 triệu dân và có biểu thuế EVFTA. Nhưng tốc độ tăng trưởng thương mại thời gian qua của Việt Nam và khối này vẫn chỉ dừng ở mức ổn định, khoảng 10 - 15%.

Lượng hàng của ta xuất khẩu đến EU chủ yếu tập trung vào 5 nước xuất khẩu lớn nhất của khối này. Còn 22 nước còn lại là thị trường ngách, thị trường nhỏ đòi hỏi sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu. Hàng Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 2,5% tổng nhập khẩu của EU, vẫn còn cơ hội tận dụng EVFTA để gia tăng tỷ lệ này, bù đắp cho phần thương mại bị ảnh hưởng ở Hoa Kỳ.

"Nếu nhìn vào luồng thương mại trong thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam tập trung rất nhiều vào thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc, hầu hầu hết ít quan tâm đến các thị trường khác, trong đó có EU", ông Quân nhận định.

Chia sẻ thêm về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), ông Quân cho biết đây là lợi thế lớn của Việt Nam khi Hiệp định bước vào năm thứ 5 thực thi, i biểu thuế với hàng hóa xuất xứ thuộc danh mục "B5" về 0.

Nghĩa là xét về mặt cạnh tranh thị trường, chúng ta đang có lợi thế rất lớn so với các đối tác khác khi các ưu đãi cho Việt Nam tốt hơn, thiện cảm của người EU dành cho người Việt Nam cũng tốt hơn so với một số thị trường. Đây là cơ hội lớn để tăng đầu ra cho hàng hóa Việt Nam.

Tham tán thương mại: Hãy coi EU là thị trường làm ăn lâu dài chứ không phải 'lối thoát' khi khó khăn- Ảnh 2.

Tuy nhiên, vị Tham tán nhấn mạnh thị trường Liên minh châu Âu là thị trường làm ăn chuẩn chỉnh. Vì vậy trong quá trình tiếp xúc thị trường này, các doanh nghiệp phải có thái độ làm ăn nghiêm túc và bài bản lâu dài chứ không phải là "lối thoát" trong ngắn hạn.

"Đương nhiên để giải quyết vấn đề thị trường, EU không phải là lối thoát cho gần 120 tỷ USD hàng xuất khẩu đến Hoa Kỳ vì chúng ta hiện xuất khẩu vào EU chỉ khoảng hơn 50 tỷ USD. Chúng ta nên đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhưng không phải là trong thời gian ngắn một, hai tháng để tránh thuế từ Hoa Kỳ, sẽ không thành công, bởi cách tiếp cận thị trường EU phải bài bản và thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ", ông Quân nói.

Ngoài ra, theo ông Quân, nếu Hoa Kỳ áp thuế cao với Trung Quốc, Việt Nam cần quản lý tốt luồng thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, làm sao đảm bảo rằng không có hàng gian lận thương mại vào Việt Nam để đi EU. Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho thị trường bản địa của Việt Nam.

"Điều tiên quyết là các hiệp hội cần phải chấn chỉnh các doanh nghiệp trong ngành nghề mình, tránh các hình thức gian lận, tránh bị lợi dụng địa bàn quá cảnh. Chính cái hành động này sẽ dần gây ra phản ứng trái chiều từ EU khiến họ khó hỗ trợ chúng ta trong giai đoạn khó khăn", Tham tán khuyến nghị.

Kết thúc năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 51,66 tỷ USD sang EU, tăng 18,5%, tương ứng tăng 8,08 tỷ USD so với năm trước. EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt trên 30 tỷ USD và EU cũng là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam.

Phan Trang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT