'Thành phố iPhone' ở Trung Quốc giờ đã là 'thành phố xe điện'

Nơi từng là thủ phủ sản xuất iPhone của Trung Quốc cũng như toàn cầu đang có những bước dịch chuyển.

Thành phố Trịnh Châu của Trung Quốc, nơi từng là "thủ phủ" sản xuất iPhone của thế giới, đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ khi BYD và các nhà sản xuất ô tô khác xây dựng chuỗi cung ứng xe điện.

Một nhà máy của BYD ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, rất nhộn nhịp giai đoạn cuối tháng 10 khi những chiếc xe mới được chất lên xe kéo và vận chuyển đi. Có thể nhìn thấy những nhân viên đeo băng tay "nhân viên mới" ở khắp nơi trong khuôn viên nhà máy.

Nhà máy này bắt đầu hoạt động theo từng giai đoạn từ tháng 4/2023. BYD hiện sản xuất các loại xe năng lượng mới tại đây, gồm các mẫu xe điện như SUV Song Pro, sedan Seal Lion 7 cũng như các mẫu plug-in hybrid với tốc độ hơn 1 xe mỗi phút.

BYD đã sản xuất 200.000 xe tại đây vào năm 2023 và đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số đó vào năm nay. Một nhà máy sản xuất pin ô tô cũng đang được xây dựng trên khu đất bên cạnh.

Các công ty khác cũng đang đầu tư vào xe năng lượng mới tại Trịnh Châu.

SAIC Motor đã đầu tư 277 triệu USD để xây dựng một nhà máy tin, đã đi vào hoạt động từ tháng 10. Một giám đốc của SAIC cho biết công ty có kế hoạch biến Trịnh Châu thành "cơ sở sản xuất và xuất khẩu xe năng lượng mới".

Yutong Bus, một công ty địa phương và là nhà sản xuất xe bus hàng đầu tại Trung Quốc, cũng đang thúc đầy sản xuất xe bus điện tại đây.

Sự bùng nổ xe năng lượng mới của Trịnh Châu được thúc đẩy bởi chính quyền Trung Quốc cũng như thành phố.

Với sự xuất hiện của nhà máy BYD, sản lượng xe năng lượng mới từ Trịnh Châu đã tăng lên 320.000 chiếc năm 2023, gấp 3 lần so với năm trước. Quan chức tại Trịnh Châu cho biết hồi tháng 9 rằng thành phố có kế hoạch sản xuất khoảng hơn 1,5 triệu xe năng lượng mới vào năm 2025.

'Thành phố iPhone' ở Trung Quốc giờ đã là 'thành phố xe điện' - Ảnh 1.

Một nửa trong số 130 nhà hàng phục vụ công nhân sản xuất iPhone đã đóng cửa tại Trịnh Châu. Ảnh: Nikkei.

Cho đến nay, nền kinh tế của Trịnh Châu vẫn phụ thuộc vào việc lắp ráp iPhone do Foxconn – công ty Đài Loan lắp ráp khoảng 60% tổng số iPhone toàn cầu. Nhưng theo thống kê của thành phố, sản lượng smartphone vào năm 2023 chỉ đạt khoảng 140 triệu máy, bằng một nửa so với mức đỉnh năm 2017. Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Ấn Độ và các quốc gia khác để ứng phó với rủi ro địa chính trị gia tăng.

"Chúng tôi từng làm việc 3 ca trong những thời điểm bận rộn nhất nhưng giờ chỉ làm 2 ca", một nguồn tin địa phương cho hay.

Tỷ lệ iPhone sản xuất tại Ấn Độ hiện vẫn ở mức thấp nhưng dự kiến sẽ đạt 25% trong vài năm tới. Foxconn đã công bố các khoản đầu tư theo kế hoạch tại Ấn Độ và công ty con Tata Electronics của Tata Group cũng đang mở rộng sản xuất theo hợp đồng.

Doanh số bán iPhone chậm chạp là một yếu tố khác. Ming-Chi Kuo, nhà phân tích tại TF International Securities, cho biết vào tháng trước rằng khối lượng đơn đặt hàng của Apple cho các nhà cung cấp cho iPhone 16 giai đoạn tháng 10/2024 đến tháng 6/2025 thấp hơn gần 10 triệu đơn vị so với kế hoạch ban đầu.

Vào giai đoạn đỉnh cao, nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu tuyển dụng khoảng 350.000 người. Theo một công ty tuyển dụng địa phương, con số này giảm xuống chỉ còn đơn vị chục nghìn do tự động hóa.

Khoảng một nửa trong số 130 nhà hàng phục vụ công nhân nhà máy dọc theo con số gần đó đã đóng cửa. "Doanh số giảm còn 1/3 so với thời kỳ đỉnh cao 2015-2017", quản lý một nhà hàng cho biết.

Việc lắp ráp iPhone là xương sống của nền kinh tế không chỉ Trịnh Châu mà còn ở tỉnh Hà Nam. Điện thoại di động chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ năm 2015 đến 2017 nhưng đã giảm xuống còn 46% vào năm 2023.

Đức Nam 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT