Thành phố trẻ nhất miền Tây: Từ làng 143 tuổi lên phố, diện tích chỉ bằng một phường
Thành phố Gò Công có 101,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người, diện tích ngang ngửa hai phường Mông Dương (Quảng Ninh) và Cam Nghĩa (Khánh Hoà).
Ngày 19/03, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa. Đồng thời sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.
Thành phố Gò Công có 101,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người. Với quy mô này, Gò Công nhỏ hơn phường rộng nhất Việt Nam phường Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh) với 119,83 km² và chỉ nhỉnh hơn phường rộng thứ nhì cả nước là phường Cam Nghĩa (Cam Ranh, Khánh Hòa) với 105,10 km².
Thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 3 xã (giảm 2 đơn vị hành chín cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.
Kết quả sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 2 phường, giảm 4 xã).
Như vậy, hiện nay Tiền Giang có 2 thành phố (Mỹ Tho, Gò Công), 1 thị xã Cai Lậy và 8 huyện: Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè và Tân Phú Đông và 170 đơn vị cấp xã, gồm 8 thị trấn, 24 phường và 138 xã. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,4%. Thành phố Gò Công cách TP HCM 60km, nằm ở trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
"Làng thành phố" 143 tuổi
Thành phố Gò Công hiện nay một thời được gọi là "làng Thành Phố". Trong cuốn Gò Công vọng tiếng đất lành đã đề cập: Làng Thành Phố được Pháp thành lập từ năm 1882 (cũng có tư liệu viết năm 1885 - NV) trên cơ sở sáp nhập làng Thuận Ngãi với làng Thuận Tắc, hai làng vốn cách nhau do con rạch Cửa Khâu, năm 1882 đã nạo vét sửa đổi thành kinh Salicetti. Năm 1882, làng Thành phố rộng lớn có ban hương chức Hội tề đầy đủ và có mộc riêng.
Làng Thành phố từ năm 1882, mãi đến tháng 7-1945, dù Gò Công có thay đổi hành chính từ "hạt" từ năm 1868-1899, sang "quận" từ năm 1899-1924, rồi "tỉnh" từ năm 1924-1945, làng Thành Phố vẫn là thủ phủ 63 năm. Năm 1987, chính thức có quyết định công nhận Gò Công là thị xã Gò Công.
Thị xã Gò Công nay là thành phố Gò Công, là đô thị nằm ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang, là trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, thương mại - dịch vụ, kết nối vùng TP Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những năm qua, thị xã Gò Công có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng được xây dựng đồng bộ, thuận lợi thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, thành lập mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của thị xã và khu vực lân cận.
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 5.675 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 9,84% so với năm 2022.
Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện được 215,376 tỷ đồng, đạt 125,95% dự toán. Giá trị sản xuất ước thực hiện bằng 100,68% kế hoạch, tăng 7% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 3.768 tỷ đồng, đạt 106,18% kế hoạch, tăng 17,25% so với năm 2022.