Thanh tra Chính phủ 'gọi tên' loạt ngân hàng 'rót' vốn quá tay cho doanh nghiệp

Thanh tra Chính phủ vạch ra những sai phạm của loạt ngân hàng thương mại trong việc cho vay quá 15% vốn tự có hay cho vay khi doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý...

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017.

Thanh tra Chính phủ đã thanh tra với hàng loạt ngân hàng thương mại và phát hiện một số vi phạm về cho vay tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ phát hiện các nhà băng này có tình trạng cho vay tập trung một khách hàng, một dự án thông qua các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định. Họ cũng cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án. Một số chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng không bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đúng quy định...

Cho 9 khách vay 48% vốn tự có

Tại Sacombank, qua kiểm tra hồ sơ tín dụng của 16 khách hàng với tổng dư nợ tín dụng lên tới 15.218 tỷ đồng vào 31/8/2018. Sacombank cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng.

9 doanh nghiệp này gồm: Công ty cổ phần Him Lam Thủ Đô, Công ty cổ phần Đầu tư Hồng Bàng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Công ty cổ phần Đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Công Phúc, Công ty cổ phần Hạ tầng Bảo Tín, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, Công ty cổ phần Việt Hà, Công ty cổ phần Hiệp Ân.

Số doanh nghiệp trên vay vốn rồi nhận chuyển nhượng và đầu tư vào cùng dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An. 9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ 3 qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Theo TTCP, ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Khi thanh tra, dự án đang khó khăn về pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.

Việc này cũng dẫn tới rủi ro về tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản, lợi ích từ dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An khi dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu.

Theo SDI Corp, những khoản nợ liên quan đến dự án Sài Gòn Bình An đã thực hiện thanh lý hợp đồng 100% vào năm 2021, do vậy sẽ không có rủi ro về tài sản. Hiện tại, dự án đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu.

Sacombank cũng thiếu sót trong thẩm định điều kiện cho vay vốn, như phương án vay vốn không đảm bảo khả thi với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Office 85; Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên, Công ty cổ phần Đồng Tâm. Khả năng tài chính để trả nợ của một số khách hàng, như Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn, Công ty TNHH Vina Alliance, Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, chưa được đảm bảo.

Sacombank còn cho khách hàng là Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp và thế chấp bằng chính phần vốn góp của doanh nghiệp này trong 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

thanh-tra-chinh-phu-goi-ten-loat-ngan-hang-rot-von-qua-tay-cho-doanh-nghiep-1689066703.jpg
Ảnh minh họa

Cho vay khi doanh nghiệp không đủ điều kiện

Tại VietABank, tổng dư nợ tới 31/8/2018 là 6.510 tỷ đồng, chiếm 17,28% tổng dư nợ cho vay. Ngân hàng này cũng thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án. 
Việc thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác, với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư PHD.

VietABank chưa phân loại nợ đúng quy định với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland, Công ty cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Theo quy định nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 và 5, nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1.

Ngân hàng cũng cho 10 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ 4.860 tỷ đồng, theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án. Bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn.

Tương tự tại NCB, TTCP kiểm tra 6 hồ sơ cấp tín dụng của NCB tại Công ty cổ phần Gami Hội An, Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội, Công ty TNHH Biofeed, Công ty cổ phần T&H Hạ Long, Công ty cổ phần Tư vấn ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ C&C, Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Biển Bắc.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 10/2021, có 3/4 khách hàng đã tất toán. Riêng Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội vẫn dư nợ 321 tỷ đồng, nợ nhóm 1. 

Theo thông tin từ ngân hàng NCB, đến nay, 5/6 khách hàng đã hoàn thành nghĩa vụ và không còn dư nợ tại ngân hàng. Riêng Công ty TNHH Biofeeds đã thanh toán gần 90% khoản vay và vẫn đang tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng.

Theo TTCP, ngân hàng đã thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách chưa đủ điều kiện vay vốn. Tài sản đảm bảo chưa được đăng ký giao dịch đảm bảo, chưa thực hiện thẩm định lại định kỳ, tài sản đảm bảo là cổ phiếu nhưng không có cơ sở định giá giá trị.

Kiểm tra sau cho vay cho thấy ngân hàng chưa đánh giá tình hình tài chính của khách hàng, tiến độ thực hiện dự án. Ngân hàng giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án nhưng không có hồ sơ chứng minh việc thực hiện dự án.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT