Thế Giới Di Động giải thể 'mơ ước' của ông Nguyễn Đức Tài: Khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng ăn rau giá cao

Việc "giảm lượng, tăng chất" của Thế Giới Di Động vẫn sẽ được duy trì kể từ nay trở đi.

Thế Giới Di Động giải thể 'mơ ước' của ông Nguyễn Đức Tài: Khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng ăn rau giá cao- Ảnh 1.

Mới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc giải thế CTCP 4KFarm và CTCP Logistics Toàn Tín. Lý do là để tái cơ cấu lại nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành. Đây cũng từng là 2 trong số những dự án từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG khẳng định là một trong những "ước mơ" của mình. 

Về câu chuyện giải thể 2 công ty này, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ trong cuộc gặp nhà đầu tư mới đây rằng đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc của MWG. "Giảm lượng tăng chất, cắt bỏ đi những phần thừa thãi" là những gì mà tập đoàn bán lẻ này sẽ làm để tối ưu hóa bộ máy hiện tại. 

"4K Farm đang hoạt động kém hiệu quả nên chúng tôi quyết định rút lui. Bản chất của 4K Farm là chúng tôi sản xuất ra một loại rau an toàn nên chi phí hoạt động khá cao. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn chưa thể đón nhận sự chênh lệch giá đó. Khi người mua chưa sẵn sàng cho sự chênh lệch giá đó thì điều kém hiệu quả nằm ở đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải đợi thêm một thời gian nữa khi người tiêu dùng có thể chấp nhận chịu chi cho sự an toàn hơn, chất lượng hơn... thì lúc đó 4K Farm mới được đón nhận", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ. 

Vị doanh nhân này cũng chia sẻ việc giải thể 4K Farm không có bất cứ tác động nào đến doanh thu và lợi nhuận của Bách Hóa Xanh. 

Thế Giới Di Động giải thể 'mơ ước' của ông Nguyễn Đức Tài: Khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng ăn rau giá cao- Ảnh 2.

Hình ảnh sản phẩm của 4K Farm.

Còn về phía Logistics Toàn Tín, ông Nguyễn Đức Tài cho biết ban đầu khi lập công ty này MWG có kế hoạch cung cấp dịch vụ ra bên ngoài. Tuy nhiên, những nguồn lợi mà doanh nghiệp này mang về lại quá nhỏ so với quy mô của tập đoàn. 

"Nhận thấy điều đó, chúng tôi đã quyết định gói lại chỉ để cho Toàn Tín phục vụ phần logistics cho các công ty khác trong tập đoàn. Nếu như vậy chúng tôi lại không cần một pháp nhân độc lập cho rối rắm. Mọi thứ của Toàn Tín vẫn còn nguyên đai nguyên kiện ở đó và chuyên tâm phục vụ cho cho MWG", ông Nguyễn Đức Tài khẳng định. 

Về việc hạch toán chi phí giải thể hai doanh nghiệp trên, ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc tài chính của MWG cho biết đã ghi nhận những chi phí này trong năm 2023. 

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư này, ông Nguyễn Đức Tài cũng cho biết công ty đã trải qua một quá trình tái cấu trúc toàn diện. Rất nhiều mảng kinh doanh của MWG đã được thu gọn lại. Việc "giảm lượng, tăng chất" này vẫn sẽ được duy trì kể từ nay trở đi. Tất cả những gì không hiệu quả tập đoàn vẫn sẽ tiến hành cắt bỏ, thu nhỏ để dành tiền bạc thời gian đầu tư vào những thứ quan trọng hơn. 

"Kết quả của việc này các quý nhà đầu tư có thể đã nhìn thấy ngay. Chúng tôi giảm số lượng cửa hàng nhưng doanh thu của tập đoàn không hề giảm. Ví dụ như Bách Hóa Xanh là điển hình. Thời cao điểm chuỗi này có đến 2.600 cửa hàng nay chỉ còn hơn 1.600, tuy nhiên doanh thu hiện tại lớn hơn quá khứ rất nhiều. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc có thể làm được ở phía trước", ông Nguyễn Đức Tài bộc bạch. 

Nhiều người cho rằng việc MWG tái cấu trúc lớn đã khiến số lượng nhân viên giảm mạnh, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành công ty. Ông Nguyễn Đức Tài cho biết việc số nhân viên đó giảm cũng nằm trong chiến dịch tái cấu trúc của tập đoàn. Cửa hàng thì công ty có thể mạnh tay đóng những với nhân viên thì MWG lại không làm thế. 

"Sự sụt giảm nhân viên này đến khá là tự nhiên. Một số người cảm thấy môi trường không còn phù hợp nữa thì các bạn có thể xin rút. Tỷ lệ mà nghỉ việc do không tự nguyện ở MWG rất thấp", ông Nguyễn Đức Tài cho biết. 

Vị doanh nhân này cũng cho biết việc giảm nhân viên diễn ra ở khắp mọi nơi, không chỉ riêng MWG. Và việc nhân viên nghỉ diễn ra ở quy mô toàn tập đoàn, từ những nhân viên bên dưới đến các quản lý trên cao và diễn ra ở mọi tỉnh thành. 

MWG cũng vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm với doanh thu ước tính trong tháng 4 là 11.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ và tăng 17% so với tháng trước.

Trong đó, chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) có doanh thu khoảng 7.900 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ do đóng góp tích cực từ các sản phẩm điện máy. Còn doanh thu Bách Hoá Xanh vượt 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân đạt xấp xỉ 1,9 tỷ đồng/ cửa hàng.

MWG thông tin trong tháng 4, doanh thu các chuỗi đều ghi nhận tăng trưởng khả quan so với tháng trước một phần do nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng trong các ngày nghỉ lễ.

Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT