Thế khó của doanh nghiệp: Khách hàng yêu cầu sản xuất "xanh" hơn, nhưng không muốn sản phẩm tăng giá

Ông Trần Như Tùng – Chủ tịch CTCP Dệt may Thành Công cho biết hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức được vấn đề phát triển bền vững, nhưng khó khăn lớn nhất nằm ở việc chi phí "xanh hóa" rất cao, nhưng khách hàng không muốn bị tăng giá. Chủ tịch khối Bất động sản của Keppel Việt Nam Joseph Low cũng chung trăn trở này.

Hôm 9/4, Forbes Việt Nam lần thứ ba tổ chức Hội nghị Phát triển Bền vững với chủ đề năm nay là "Nền kinh tế mới". Sự kiện quy tụ các chuyên gia, nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp đang dẫn dắt thị trường thảo luận các chủ đề thời sự về nền kinh tế carbon thấp, chống biến đổi khí hậu cũng như con đường phát triển bền vững.

Thế khó của doanh nghiệp: Khách hàng yêu cầu sản xuất "xanh" hơn, nhưng không muốn sản phẩm tăng giá - Ảnh 1.

Hội nghị Phát triển Bền vững với chủ đề "Nền kinh tế mới" do Forbes Việt Nam tổ chức.

Doanh nghiệp đã làm gì?

Trong phiên thảo luận "Giảm dấu chân Carbon", ông Trần Như Tùng - Chủ tịch CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã trình bày những hoạt động cụ thể mà doanh nghiệp thực hiện để giảm lượng carbon, cũng như một số thách thức gặp phải.

Là doanh nghiệp dệt may đã có mặt gần 50 năm trên thị trường, chủ yếu xuất khẩu tới châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Dệt may Thành Công có thể cảm nhận rõ rệt sự thay đổi rất lớn từ phía khách hàng về tiêu chuẩn môi trường những năm gần đây, đặc biệt là thị trường châu Âu.

"Bên cạnh các kế hoạch hàng năm về doanh thu – lợi nhuận, chúng tôi còn chuẩn bị thêm chiến lược phát triển bền vững, tức là năm đó sẽ cam kết với khách hàng giảm bao nhiêu tấn carbon, bằng những hành động cụ thể nào.

Bây giờ các khách hàng, đặc biệt ở châu Âu, đều muốn nhìn thấy cam kết của doanh nghiệp, nhà sản xuất về vấn đề giảm phát thải. Họ không đưa ra con số cụ thể, nhưng muốn phía doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm", ông Tùng giải thích.

Thế khó của doanh nghiệp: Khách hàng yêu cầu sản xuất "xanh" hơn, nhưng không muốn sản phẩm tăng giá - Ảnh 2.

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công.

Dệt may Thành Công hiện có nhiều chương trình về xử lý chất thải, nước thải, quản lý hóa chất, giảm tiêu thụ năng lượng cũng như thay đổi chất đốt. Thay vì sử dụng than đá, họ chuyển dần sang nhiên liệu sinh khối (biomass) để giảm lượng carbon, chẳng hạn như khu vực phía Nam có vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long nên có thể mua lại lượng trấu rất lớn làm chất đốt.

"Nhà máy chỉ cần thay đổi 10% biomass là đã giúp giảm 2.500 tấn carbon mỗi năm. Mỗi tháng, chúng tôi đều cập nhật số liệu này và công bố trên website, để các khách hàng cũng như nhà đầu tư có thể vào xem, nắm được đến thời điểm này công ty đã giảm được bao nhiêu carbon", ông Tùng cho biết.

Theo Chủ tịch Dệt may Thành Công, chương trình này được lặp lại hàng năm góp phần đưa các khách hàng và đơn hàng đến với doanh nghiệp nhiều hơn, trở thành xu hướng không thể tránh khỏi.

Thực tế cho thấy quý 1 năm nay, Dệt may Thành Công đã nâng công suất lên 100%, hiện đã nhận 85% đơn hàng cho quý 2 và 80% đơn hàng cho quý 3. Về kết quả kinh doanh quý 1/2024, công ty ước đạt doanh thu 39 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong vòng 6 quý.

Nỗi trăn trở về chi phí

Đề cập tới những thách thức trong quá trình "xanh hóa", ông Trần Như Tùng chỉ ra rằng giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, việc vừa phải lo tạo ra doanh thu, vừa đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững tạo nên áp lực lớn cho doanh nghiệp, bởi các khoản chi phí liên quan đến môi trường không hề rẻ.

"Thực sự chia sẻ rằng hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức được vấn đề phát triển bền vững. Nhưng cái khó nhất là chi phí, vì để triển khai những dự án liên quan đến môi trường như xử lý chất thải, quản lý hóa chất… rất tốn kém, đôi khi lợi nhuận thu về không đủ sức lo liệu hết.

Thêm vào đó, khách hàng yêu cầu doanh nghiệp xanh và sạch hơn, nhưng lại không muốn bị tăng giá, dẫn tới ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Chi phí nhiều, nhưng giá bán không tăng", Chủ tịch Dệt may Thành công chia sẻ.

"Tuy nhiên, khi nhìn lại, chúng ta thấy rằng trong kinh doanh, ngoài lợi nhuận thì còn phải có trách nhiệm với cộng đồng, hành tinh này. Không có lý do gì mà ngày hôm nay chúng ta xả thải để con cháu đời sau gánh chịu. Đó là hành động không hợp về đạo đức kinh doanh", ông nói thêm.

Cũng trong phiên thảo luận, ông Joseph Low - Chủ tịch khối Bất động sản của Keppel Việt Nam bày tỏ đồng tình với quan điểm của ông Tùng.

Thế khó của doanh nghiệp: Khách hàng yêu cầu sản xuất "xanh" hơn, nhưng không muốn sản phẩm tăng giá - Ảnh 3.

Ông Joseph Low - Chủ tịch khối Bất động sản của Keppel Việt Nam.

"Theo năm tháng, người tiêu dùng dần có ý thức rõ ràng hơn và sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa chi phí đầu tư vì môi trường của chúng tôi và mức giá mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả", ông Low phát biểu.

Vì vậy, lãnh đạo Keppel Việt Nam mong muốn doanh nghiệp, cộng đồng và Chính phủ cùng chung tay tìm ra và triển khai các giải pháp thiết thực, mới có thể thúc đẩy chương trình nghị sự về Net Zero.

Về phía Dệt may Thành Công, ông Tùng cho rằng nếu các tổ chức tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa ra những gói vay ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư hơn, tinh thần đồng hành cùng mục tiêu phát triển bền vững sẽ được lan tỏa hơn.

"Khi đó, những cam kết của Việt Nam về Net Zero, tức là mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thậm chí có thể được hoàn thành sớm hơn, 2045 là đạt được", ông Tùng cho biết.

Minh Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT