Thêm 5 ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm tuần này

Tuần này ghi nhận thêm 5 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, với mức tăng trung bình 0,1-0,3%.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng 0,2 điểm phần trăm, áp dụng đối với tất cả kỳ hạn. Hiện, lãi suất tiết kiệm tại NCB dao động từ 3,4%/năm – 5,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 1-18 tháng. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng, NCB tăng lãi suất tiết kiệm.

Trước đó một ngày (23/5), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng tăng lên mức 4,7%/năm, trở thành mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của ABBank.

Đáng chú ý, chỉ trong một tuần qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 2 lần điều chỉnh lãi suất. Cụ thể, ngày 22/5, ngân hàng này hạ lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất của ngân hàng này dao động từ 2,6%/năm – 5,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1-24 tháng, với khoản tiền gửi dưới 500 triệu đồng. Lãi suất tiết kiệm được MB cộng thêm lần lượt 0,1% và 0,15% đối với tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ, và từ 1 tỷ đồng trở lên.

Trước đó một ngày, MB đã tăng lãi suất trung bình 0,1-0,4 điểm phần trăm cho kỳ hạn từ 1-15 tháng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong tuần này tại một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 1 tháng tăng 0,3% lên mức 2,8%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 3-5 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên 3,1%/năm. VIB giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện là 5,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng.

Ngay trong ngày đầu tuần, ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với mức tăng 0,3% tại các kỳ hạn 1-18 tháng. Với việc điều chỉnh lãi suất mới nhất, lãi suất tiết kiệm online dành cho khách hàng cá nhân tại HDBank dao động từ 3,25%/năm-6,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 1-18 tháng.

Như vậy, tính từ đầu tháng 5 trở lại đây, đã có gần 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: ACB, VIB, VPBank, HDBank, MB GPBank, NCB, ABBank, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank. Trong đó có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng từ 2-3 lần như Techcombank, ABBank, MB, NCB, SeABank, CB, VIB.

Riêng có ngân hàng VietBank là điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm tại tất cả kỳ hạn. Còn ngân hàng MB chỉ giảm lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng còn VIB giảm lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 24 và 36 tháng với mức giảm 0,1 điểm phần trăm.

Tính đến giữa tháng 5/2024, hầu hết các nhà băng đã tái tăng lãi suất đầu vào với mức cao nhất đang được áp dụng là 6,2%/năm ở kỳ hạn dài. Dù vậy nhưng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy. Nguyên nhân do một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn cụ thể và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam (một chỉ báo cho xu hướng lãi suất huy động) đã tăng lên 2,09% tính đến ngày 26.4 từ mức 1,84% vào cuối tháng 3.

Còn chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tùy thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.

  

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT