Thêm một quốc gia Đông Nam Á công bố tăng trưởng GDP quý 1/2024, cao hay thấp so với Việt Nam?
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã công bố kết quả kinh tế của quốc gia này trong quý 1/2024.
Theo dữ liệu vừa được Ngân hàng Trung ương Malaysia công bố, tốc độ tăng trưởng GDP của Malaysia trong quý 1/2024 đạt 4,2% so với cùng kỳ, cao nhất trong một năm trở lại đây. Kết quả này đến từ sự phục hồi của nhu cầu hàng xuất khẩu từ các đối tác nước ngoài cũng như tiêu dùng tư nhân ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ. So với quý 4/2023, nền kinh tế Malaysia tăng trưởng 1,4% trong quý đầu tiên năm 2024.
Cụ thể, tiêu dùng tư nhân của Malaysia trong quý đầu tiên của năm 2024 tăng 4,7% từ mức tăng trưởng 4,2% của quý 4/2023. Trong khi đó, xuất khẩu của quốc gia này ghi nhận tăng 5,2%, đảo ngược từ mức giảm 7,9% trong quý 4/2023.
Xét theo ngành kinh tế, theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 4,7% trong quý 1/2024, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với mức tăng 4,1% của quý trước. Lĩnh vực sản xuất của Malaysia cũng có tín hiệu phục hồi khi lĩnh vực này ghi nhận mức tăng trưởng 1,9%.
Ngân hàng Trung ương nước này dự báo mức tăng trưởng GDP của Malaysia có thể đạt từ 4% đến 5% trong năm 2024 nhờ chi tiêu trong nước và nhu cầu bên ngoài phục hồi. Điều này phù hợp với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về sự phục hồi tăng trưởng thương mại toàn cầu lên 3,3% vào năm 2024, tăng so với mức 0,4% của năm trước.
Trước đó, trong quý 1/2024, GDP của Indonesia đã ghi nhận mức tăng trưởng 5,11% so với cùng kỳ, vượt kỳ vọng và là mức tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, với động lực chính đến từ sự tăng trưởng của các hoạt động kinh tế nội địa.
Trong lĩnh vực sản xuất, những ngành đóng góp chính vào tăng trưởng là công nghiệp khai khoáng, chế biến, xây dựng và thương mại. Trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình của Indonesia trong 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tăng 4,91% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,47% của quý 4/2023, chiếm hơn một nửa GDP của quốc gia này.
Bên cạnh đó, chi tiêu Chính phủ đã tăng gần 20% trong quý đầu tiên nhờ tài trợ cho bầu cử. Tuy nhiên, đầu tư của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chỉ ghi nhận mức tăng 3,79% trong quý đầu tiên của năm 2024, thấp hơn con số 5,02% hồi quý 4/2023.
Còn tại Singapore, theo Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI), GDP của Singapore trong quý 1/2024 đã tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ, nhờ lĩnh vực du lịch phục hồi. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ của quốc gia này đã tăng 3,2% trong quý đầu tiên của năm 2024, từ mức 2% của quý 4/2023.
Singapore dự kiến mức tăng trưởng của nước này vào năm 2024 sẽ ở mức từ 1% đến 3% trong bối cảnh có kỳ vọng về sự phục hồi của ngành bán dẫn và các mặt hàng xuất khẩu khác. Tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2023 chỉ đạt 1,1%, thấp hơn so với mức mức 3,6% vào năm 2022.
Kinh tế trưởng Ngân hàng OCBC, bà Selena Ling lưu ý rằng, quỹ đạo tăng trưởng của Singapore được dự đoán sẽ phục hồi trong các quý tiếp theo của năm 2024, dựa trên sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là đối với mặt hàng thiết bị điện tử.
Đối với Việt Nam, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý 1/2024 đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Tham khảo: Nikkei Asia