Thêm một 'trùm' xăng dầu phía Nam bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan do nợ thuế hơn 220 tỷ đồng
Công ty Bách Khoa Việt bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do nợ thuế hơn 220 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 3/4/2024.
Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TP.HCM vừa có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế bằng hình thức dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu đối với Công ty Cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt (Công ty Bách Khoa Việt).
Theo Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan được cơ quan hải quan thực hiện theo đề nghị của Cục Thuế TP.HCM tại Công văn 3084 ngày 28/3/2024.
Nguyên nhân do doanh nghiệp này nợ thuế quá 90 ngày với khoản tiền 220,69 tỷ đồng. Thời gian dừng làm thủ tục bắt đầu có hiệu lực kể từ 3/4/2024 đến khi doanh nghiệp này nộp đủ số tiền thuế.
Công ty CP thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt được thành lập từ tháng 10/2007. Người đại diện theo pháp luật kiêm giám đốc của doanh nghiệp là ông Trần Trác Việt Đức.
Ban đầu, doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, công trình dân dụng và kinh doanh bất động sản. Đến năm 2014 - 2015, công ty tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu và hiện tại là một trong số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở phía Nam.
Hồi tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ Công Thương, Công ty CP thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó, cơ quan này cũng quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Lộc An (chuyên viên Vụ Thị trường trong nước, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương); ông Trần Trác Việt Đức (SN 1990) - Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và Đỗ Thị Tuyết Nga (SN 1979) - kế toán trưởng công ty. Cả ba người này cùng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trước đó, bà Trần Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt - cũng bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong vụ buôn lậu hơn 136 triệu lít xăng dầu (hồi giữa năm 2022), nhưng hiện đã bỏ trốn.
Liên quan đến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, mới đây Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với xăng dầu và nguyên liệu xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Theo đó, 2 doanh nghiệp này đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do đó, 2 doanh nghiệp này không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế xăng dầu.
Sau khi hàng loạt doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị rút giấy phép và dừng làm thủ tục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp như Petrolimex, PVoil... chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước.
Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh trao đổi với các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác sẵn sàng cung ứng bù đắp lượng thiếu hụt cho thị trường.