Thêm ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động
Trong ngày hôm nay (18/12), một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm tại một số kỳ hạn.
Ngân hàng BIDV vừa công bố giảm tiếp 0,1%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1-11 tháng. Hiện, biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng tại ngân hàng nay còn 2,6%/năm, 3-5 tháng còn 3%/năm, 6-11 tháng là 4%/năm và giữ nguyên kỳ hạn 12-18 tháng (5%/năm) và 24-36 tháng (5,3%/năm).
Đây là lần thứ 3 trong tháng BIDV giảm lãi suất huy động.
Cũng trong sáng nay, Techcombank công bố giảm lãi suất huy động lần 2 đối với một số kỳ hạn. Theo đó, với khoản tiết kiểm mở mới dưới 1 tỷ đồng, Techcombank giữ nguyên lãi suất 3,45%/năm với kỳ hạn 1 và 2 tháng.
Kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,1%/năm còn 3,45%/năm, kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,2%/năm còn 4,45%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng giảm 0,2%/năm còn 4,5%/năm, kỳ hạn từ 12-36 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 4,75%/năm.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng này tăng 0,05% ở kỳ hạn 6-36 tháng đối với các khoản vay từ 1 tỷ đồng trở lên. Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 4,85%/năm, kỳ hạn 12-36 tháng, với số tiền gửi từ 3 tỷ đồng.
PVCombank cũng có động thái giảm lãi suất 0,3%/năm với các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng chỉ còn 3,35%/năm, 6-11 tháng còn 5,3%/năm và 12 tháng giảm còn 5,4%/năm.
Lãi suất kỳ hạn từ 18-36 tháng chính thức xuống dưới ngưỡng 6% sau khi giảm còn 5,7%/năm.
Tuần vừa qua cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục.
Việc ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động dịp cuối năm đang đi ngược xu hướng những năm trước đây. Bởi thông thường thời điểm cuối năm, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động, tung các chương trình khuyến mại để hút vốn, đáp ứng nhu cầu vốn doanh nghiệp và người dân.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm đang thấp kỷ lục, người dân vẫn mạnh tay “đổ” tiền vào ngân hàng. Theo thống kê từ NHNN, tính đến cuối tháng 9/2023, số tiền gửi tiết kiệm của người dân trong hệ thống ngân hàng đã đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.
Đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, tính đến cuối tháng 9/2023, số tiền này đạt hơn 6,23 triệu tỷ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỷ đồng so với cuối tháng 8.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng các kênh đầu tư bất động sản, vàng, chứng khoán...có nhiều rủi ro. Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và vẫn sinh lời dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng 3/2023 trở lại đây.