Theo chân Vietnam Airlines, Viettel Global, VIMC, một cổ phiếu DN nhà nước từng tăng 83% đã giảm sàn trong phiên 17/7
Vốn hóa của GVR lúc đỉnh điểm đạt 155.800 tỷ đồng (khoảng 6,1 tỷ USD), tăng khoảng 71.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Về cuối phiên giao dịch ngày 17/7, thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà giảm mạnh khi VN-Index giảm 12,5 điểm còn 1.268,66 điểm. Thanh khoản thị trường cũng tăng vọt so với nhiều phiên gần đây khi đạt mức 29.327 tỷ đồng.
Trong đó, một cổ phiếu "hot" từ đầu năm là GVR của tập đoàn cao su Việt Nam cũng không nằm ngoài đà giảm của thị trường. Cụ thể, cổ phiếu này đến cuối phiên đã giàm sàn 7% còn 35.550 đồng/cp. Trước đó, thị giá của GVR đã có giai đoạn tăng từ mức 21.200 đồng/cp hồi đầu năm lên mức 38.950 đồng/cp vào ngày 11/7, tương ứng mức tăng khoảng 83%.
Với đà tăng mạnh của cổ phiếu, vốn hóa của doanh nghiệp này đã dần dần lọt vào top 20 trên thị trường chứng khoán, có lúc đỉnh điểm đạt 155.800 tỷ đồng (khoảng 6,1 tỷ USD), tăng khoảng 71.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Cổ phiếu GVR giảm sàn trong bối cảnh giá cao su thế giới bắt đầu có phần hạ nhiệt trong thời gian gần đây sau giai đoạn tăng mạnh. Cụ thể, theo giữ liệu từ Trading Economics, sau giai đoạn tăng liên tục từ đầu năm qua đó vượt mốc 180 USD cents/kg (mức đỉnh 2 năm), giá cao su thế giới đã bắt đầu hạ nhiệt từ giữ tháng 6, giờ chỉ còn 160 USD cents/kg.
Trước đó, GVR nói riêng và nhóm cổ phiếu ngành cao su nói chung được hưởng lợi từ những thông tin tích cực từ thị trường cao su trong nước. Cụ thể, theo ước tính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 722.000 tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định nhờ giá cao su đang ở mức cao, cùng với mức tiêu thụ liên tục ổn định.
Còn theo Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có quy mô sản lượng mủ cao su đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ 70-75% trong số này là các cây cao su trưởng thành sẵn sàng khai thác. Hàng năm có hơn 300 nghìn tấn cao su được sử dụng trong sản xuất chế biến, còn lại một lượng lớn nguyên liệu cao su để xuất khẩu. Việc này đã mở ra một dư địa lớn cho xuất khẩu nguyên liệu cao su. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có khả năng tiếp tục thiếu hụt trong giai đoạn 2024-2025.
Tăng trưởng tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu, dự kiến duy trì ở mức 4-6% hàng năm, chủ yếu nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe, đặc biệt là ở Trung Quốc. Các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong sản xuất và xuất khẩu lốp xe. Thời gian tới, nhu cầu của Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Lãnh đạo tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng cho biết giá bán bình quân mủ cao su sơ chế trong nửa đầu năm nay đạt 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023, là một tín hiệu tích cực cho những tháng cuối năm. Với các diễn biến hiện tại, giá bán cao su của cao su Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong nửa cuối năm nay.
Một lý do khác thị giá cổ phiếu GVR có thể tăng mạnh từ đầu năm là do đến từ việc cơ cấu cổ đông cô đặc. Hiện, số lượng cổ phiếu đang niêm yết của cổ phiếu này trên thị trường là 4 tỷ đơn vị. Tuy nhiên, riêng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã sở hữu 96,77%.
Do khối lượng cổ phiếu Nhà nước nắm giữ rất lớn nên cổ phiếu tự do bên ngoài (free float) của các công ty này đều nhỏ. Vì vậy, việc các cổ phiếu các tập đoàn kinh tế này tăng giá sẽ dễ hơn các công ty có lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài thị trường ở mức lớn.
Không chỉ riêng GVR, một số cổ phiếu Nhà nước khác cũng giảm mạnh trong phiên 17/7. Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp; cổ phiếu VGI của Viettel Global hay MVN của VIMC cũng giảm trên dưới 10% trong phiên hôm nay.