Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thép Pomina xin lùi thời hạn nộp BCTC kiểm toán 2023, đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết

Hà Thị Lưu Luyến

Thép Pomina vừa có văn bản xin gia hạn nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 tới tháng 5/2024. Trước đó, POM từng bị HoSE lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết do đã chậm công bố BCTC kiểm toán 2 năm liên tiếp.

CTCP Thép Pomina (mã: POM, sàn HoSE) vừa có văn bản xin gia hạn nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.

Trong văn bản, Thép Pomina nêu rõ, quy định thời gian nộp BCTC kiểm toán năm trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Công ty cho biết, hiện đang tích cực làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc Pomina để cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Vì những lý do nhà đầu tư còn đang xem xét để đưa ra Bản thỏa thuận hợp tác nên cần khoảng thời gian nhất định. Do đó, Thép Pomina xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM xem xét cho công ty gia hạn nộp báo cáo kiểm toán năm 2023 đến ngày 15/05/2024.

thep-pomina-xin-lui-thoi-han-nop-bctc-kiem-toan-2023-doi-mat-voi-nguy-co-bi-huy-niem-yet-1711634487.PNG
Nguồn: POM

Đầu tháng 2/2024, HoSE có văn bản lưu ý khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu POM. Hiện cổ phiếu POM đang nằm trong diện kiểm soát vì chậm nộp BCTC năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.

Nếu chậm thêm 1 lần nữa, cổ phiếu POM sẽ rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết theo điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, trong đó quy định: “Cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp sau đây: i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”.

Ngày 1/3 vừa qua, Thép Pomina vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với nội dung là thông qua phương án lập pháp nhân mới nhằm tái cấu trúc toàn diện.

Cụ thể, Thép Pomins sẽ góp vốn thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ cùng với nhà đầu tư chiến lược mới. Pháp nhân mới có vốn điều lệ khoảng 2.700-2.800 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng. Pháp nhân mới sẽ được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina.

POM cho biết sẽ góp 35% vốn điều lệ, tương đương 900-1.000 tỷ đồng. Toàn bộ vốn góp dưới dạng đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Còn nhà đầu tư mới sẽ góp bằng tiền.

Với kế hoạch này, POM sẽ chấm dứt đăng ký kinh doanh của 2 đơn vị Pomina 1 và Pomina 3. Trong khi đó, với việc sở hữu 65% vốn tại pháp nhân mới, nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm quyền chi phối tại Pomina Phú Mỹ.

Sau khi trừ đi giá trị vốn góp vào pháp nhân mới, số tiền thu được từ việc thanh lý hai nhà máy nói trên, POM dự kiến dùng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cho các ngân hàng, khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp và phần vốn còn lại bổ sung vốn lưu động.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tự lập, luỹ kế năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ thêm 960 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.167 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina 1.271 tỷ đồng, bằng 45% vốn chủ sở hữu.

Hà Ly