Thép Tiến Lên: Lợi nhuận quý II/2023 giảm hơn 80%, tiếp tục gồng lỗ cổ phiếu
Do giá nguyên vật liệu sắt thép ở mức cao, sau khi trừ các chi phí, lãi ròng của Thép Tiến Lên chỉ còn 5 tỷ đồng, giảm 82,5% cùng kỳ năm 2022.
CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (MCK: TLH) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 ghi nhận mức doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 74% so với cùng kỳ, đạt 1.232 tỷ đồng.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng mạnh 110% , đạt khoảng 1.195 tỷ đồng.
Với sự đi xuống chung của ngành thép, TLH cũng nỗ lực tiết giảm chi phí. Cụ thể, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm lần lượt 17,5% và 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2023, Thép Tiến Lên hoàn nhập 23 tỷ đồng dự phòng giảm giá cổ phiếu (cùng kỳ dự phòng 58 tỷ đồng) và nhờ đó, chi phí tài chính giảm 71% xuống 26 tỷ đồng.
Dù vậy, do giá vốn tăng mạnh, sau khi trừ các chi phí, lãi ròng của TLH chỉ còn 5 tỷ đồng, giảm 82,5% cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế bán niên năm 2023, TLH thu về 2.664 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 6,4% nhưng lãi ròng 11,3 tỷ đồng, giảm mạnh 90% so với thực hiện năm 2022.
Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 53% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lãi sau thuế.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của TLH giảm khoảng 303 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đạt 3.896 tỷ đồng; trong đó, hàng tồn kho chiếm đến hơn 69% với số dư cuối kỳ, đạt hơn 2.697 tỷ đồng. Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hơn 8 tỷ đồng, giảm hơn 5 lần so với con số 42 tỷ đầu năm.
Lượng tiền mặt và tương đương giảm về dưới mức 35 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính của Thép Tiến Lên tăng 34,6% so với đầu năm lên mức 110 tỷ đồng (chủ yếu do giảm trích lập dự phòng chứng khoán kinh doanh).
Theo ghi nhận, danh mục đầu tư chứng khoán của TLH tại thời điểm 30/6 có giá gốc 96,5 tỷ đồng trong khi giá hợp lý chỉ còn 70,2 tỷ. Công ty hiện vẫn đang gồng lỗ cổ phiếu SHB, VIX và IJC song mức tạm lỗ đã giảm từ 39 tỷ về còn 13,6 tỷ đồng do cả 3 cổ phiếu này đều hồi phục mạnh trong quý II.
Trong khoảng thời gian này, Thép Tiến Lên cũng đã hạ tỷ trọng các cổ phiếu VIX và SHB về còn 30,5 tỷ (giá gốc đầu tư).
Hiện nợ phải trả của doanh nghiệp thép giảm còn gần 2.030 tỷ đồng (gấp gần 1,1 lần vốn chủ sở hữu) trong đó nợ vay ngắn hạn giảm về mức 1.377 tỷ.
Về tình hình kinh doanh toàn ngành, theo số liệu báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52% so với tháng 5/2023 và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022.
Về nguyên nhân sản xuất và tiêu thụ thép sụt giảm, VSA cho rằng do nhu cầu tiêu thụ chậm. Hơn nữa, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa.