Thị trường ảm đạm, 'ông lớn' bất động sản trong nước vẫn chi hàng trăm tỷ mở rộng quỹ đất

Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản phải co cụm, bán tài sản để có nguồn tiền duy trì hoạt động thì một số khác không ngần ngại chi hàng trăm, nghìn tỷ đồng để mở rộng quỹ đất.

Năm 2023, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A sôi động từ dòng vốn trong nước, diễn ra dưới nhiều hình thức, từ thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp mục tiêu đến bắt tay hợp tác, thông qua chào mua công khai trên thị trường chứng khoán hay thỏa thuận bí mật. Mục đích cuối cùng vẫn là nhằm gia tăng quỹ đất.

Giữa tháng 12/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR, sàn HoSE) phê duyệt kế hoạch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 7 thửa đất lần lượt có số từ 390 đến 396, tờ bản đồ số 11 và một thửa đất số 579, tờ bản đồ số 54. Tất cả đều có địa chỉ tại phường Phước Long, TP Thủ Đức, TPHCM. 

Công ty cho biết mục đích thực hiện các giao dịch này nhằm phục vụ cho hoạt động thực hiện các dự án tiềm năng trong tương lai. Giá trị chuyển nhượng khoảng 294 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng thâu tóm được khu đất đắc địa đó là CTCP Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group, mã: SGR, sàn HoSE). Hồi tháng 9/2023, Saigonres Group thông tin về việc M&A thành công 90% cổ phần của Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại & Xuất nhập khẩu Đức Nhi (Công ty Đức Nhi), qua đó chính thức trở thành chủ sở hữu của khu đất với tổng diện tích khoảng 7.700m2, tọa lạc trên mặt tiền đường Lê Sát, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM.

Saigonres Group nhấn mạnh việc sở hữu được khu đất vị trí đắc địa, khuôn viên vuông vức, nằm trong một quận nội thành với mật độ dân cư đông đúc là một điều không hề dễ dàng. Đồng thời đánh giá khu đất này là một tài sản rất có giá trị để phát triển dự án tại TP.HCM của Tổng Công ty trong thời gian tới. Giá trị thương vụ không được công ty tiết lộ.

Hay như Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG - sàn HoSE) mua lại 1 khu đất rộng gần 5.271 m2 trong chính dự án do mình làm chủ đầu tư. 

Cụ thể, giữa tháng 12/2023, DIC Corp thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với Khu đất A2-1, Khu trung tâm Chí Linh, TP. Vũng Tàu từ Công ty cổ phần Xây dựng Holdings (mã DC4, sàn HoSE).

Diện tích khu đất là 5.270,9 m2, đơn giá chuyển nhượng là 50 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), tổng giá trị hợp đồng là 289,76 tỷ đồng.

thi-truong-am-dam-ong-lon-bat-dong-san-trong-nuoc-van-chi-hang-tram-ty-mo-rong-quy-dat-2-1707201981.jpg
Dự án Khu Trung tâm Chí Linh do DIC Corp làm chủ đầu tư

Theo tìm hiểu, dự án Khu Trung tâm Chí Linh do DIC Corp làm chủ đầu tư, dự án nằm tại phường 10, phường 11 và phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có quy mô 99,7 ha, tổng mức vốn đầu tư ban đầu là 1.113 tỷ đồng.

Hồi tháng 6/2023, DIC Corp công bố nâng tổng vốn đầu tư dự án Khu trung tâm Chí Linh lên 9.624,3 tỷ đồng, tức tăng thêm 8.511 tỷ đồng.

DIC Corp cho biết, dự án thực tế sẽ không hoàn thành trong năm 2023 như kế hoạch, vì vậy sẽ điều chỉnh vốn đầu tư. Trong đó, dự án đã đền bù, giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ 77% tổng diện tích.

Tại BCTC hợp nhất quý IV/2023 ghi nhận DIC Corp sở hữu 35,89% vốn tại Công ty cổ phần Xây dựng Holdings và hạch toán là khoản đầu tư vào công ty liên kết. Trong đó, Công ty cổ phần Xây dựng Holdings hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp; đầu tư kinh doanh phát triển nhà và hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế mới.

Một thương vụ đáng chú ý khác trong năm qua là cú bắt tay của First Real và Bạch Đằng Complex. Cụ thể, ngày 8/9/2023, CTCP Địa ốc First Real (mã FIR, sàn HoSE) chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng (gọi tắt Bạch Đằng Complex) với tỷ lệ sở hữu 22%. Theo đó, First Real đã hoàn tất chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phần Bạch Đằng Complex, có giá trị là 200 tỷ đồng.

Bạch Đằng Complex là doanh nghiệp đang sở hữu dự án khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng có vị trí đắc địa tại 50 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Khu đất có diện tích 6.879,4 m2 bao gồm hai tòa tháp.

thi-truong-am-dam-ong-lon-bat-dong-san-trong-nuoc-van-chi-hang-tram-ty-mo-rong-quy-dat-1707201907.jpg
Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng.

Một tòa tháp là khách sạn 5 sao quốc tế được quản lý bởi tập đoàn Hilton có tên là Hilton Da Nang. Đây là một trong hai khách sạn được khai thác thương hiệu Hilton trên toàn Việt Nam hiện nay, với 29 tầng có tổng quy mô là 223 phòng.

Thứ hai là tòa tháp phức hợp có 25 tầng, bao gồm: Văn phòng, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, giải trí. Trong đó, hạng mục chung cư cao tầng với không gian được thiết kế để làm căn hộ cao cấp, có 107 căn hộ với diện tích sàn xây dựng từ 46m2 đến 340m2. Các căn hộ được bố trí từ tầng 10 đến tầng 25. Tại đây, có hạng mục khu thương mại phân bổ từ tầng 1 đến tầng 6 với khoảng 4.670,7m2 diện tích sàn cho thuê và được bố trí tại các vị trí đẹp để khai thác kinh doanh. Hạng mục văn phòng có diện tích sàn cho thuê khoảng 5.787,5m2 được phân bổ từ tầng 2 đến tầng 9, hướng ra bờ sông Hàn đạt tiêu chuẩn hạng A.

Thương vụ này được đánh giá mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Một mặt, việc trở thành công ty liên kết với First Real giúp Bạch Đằng Complex tận dụng các lợi thế của First Real để tái đầu tư nâng cấp khối khách sạn Hilton. Cùng với đó, First Real có thể tiếp tục đầu tư vào khối căn hộ - văn phòng để khai thác thác tối đa giá trị của phân khu này.

Mặt khác, việc trở thành cổ đông lớn tại Bạch Đằng Complex sẽ giúp First Real có quyền tham gia quyết định đầu tư phát triển và kinh doanh khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng qua đó đa dạng nguồn thu, tạo dòng tiền ổn định từ khối bất động sản khách sạn, văn phòng căn hộ cao cấp cho thuê.

Việc mở rộng quỹ đất luôn là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp bất động sản. Bởi lẽ đó là một trong những yếu tố đánh giá sức mạnh nội tại của chủ đầu tư.

Tại Bất động sản Phát Đạt (PDR), Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ khẳng định mục tiêu tiếp tục đầu tư và mở rộng quỹ đất, phát triển dự án tại các địa bàn giàu tiềm năng.

Trong lĩnh vực bất động sản dân dụng, Phát Đạt sẽ tập trung tìm kiếm quỹ đất để phát triển các sản phẩm cao cấp tại TP.HCM và Đà Nẵng, đồng thời phát triển các khu đô thị kiểu mẫu tại các đô thị cấp 2 như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đồng Nai.

Một “ông lớn” khác là Hưng Thịnh Group đang sở hữu quỹ đất lên tới 4.500 ha, phân bố ở nhiều địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đại diện Hưng Thịnh cho biết với quỹ đất lớn, doanh nghiệp này có thể đảm bảo phát triển dự án trong 10 năm tới. Dẫu vậy, Hưng Thịnh vẫn sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất khi có cơ hội nhằm đón đầu sự phát triển hạ tầng tại các địa phương.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT