Thị trường còn dư địa tăng trưởng, VN-Index có thể chạm mốc 1.550 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2025 nhờ loạt yếu tố hỗ trợ như dòng vốn FDI tăng, xuất khẩu khởi sắc và triển vọng nâng hạng thị trường. Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), VN-Index có thể đạt 1.450–1.550 điểm trong kịch bản tích cực, song nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với rủi ro từ môi trường bên ngoài và áp lực từ hoạt động cho vay ký quỹ.

Ngày 4/7, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tổ chức hội thảo đầu tư trực tuyến nửa cuối năm 2025. Tại sự kiện, các chuyên gia đánh giá Việt Nam là điểm sáng ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, đồng thời đưa ra triển vọng tích cực cho nửa cuối năm 2025.

Điểm sáng kinh tế Việt Nam

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, nửa đầu năm 2025 đánh dấu một giai đoạn nhiều biến động của kinh tế toàn cầu khi Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đồng loạt điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng. Trong khi đó, dù Fed duy trì lãi suất, đồng USD vẫn suy yếu do tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư. Điểm đáng chú ý, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trong khi chỉ số DXY giảm – diễn biến này hiếm gặp, phản ánh tâm lý thận trọng về kinh tế Mỹ.

Trái với sự thận trọng của Fed, các ngân hàng trung ương lớn như ECB, BoE và PBoC đã đồng loạt cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. 

Trong khi thế giới đang thu hẹp lại, Việt Nam lại nổi bật như một điểm sáng ổn định trong khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,3%, mức cao nhất trong hai thập kỷ qua. Lạm phát được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Tổng vốn FDI đăng ký đến hết tháng 6 đạt 21,51 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2009. Diễn biến này được ghi nhận trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục diễn ra.

Thị trường còn dư địa tăng trưởng, VN-Index có thể chạm mốc 1.550 điểm- Ảnh 1.

Diễn biến VN-Index nửa đầu năm. Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng.

Trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu phục hồi từ tháng 5, sau khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp thuế lên hàng hóa Việt Nam trong 90 ngày. Thanh khoản cải thiện, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt hơn 20.900 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm ngoái. Khối ngoại quay lại mua ròng trong tháng 5, đánh dấu sự đảo chiều trong tâm lý đầu tư.

Tối 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.

Những nhóm ngành nào có thể hưởng lợi

PHS dự báo, giải ngân FDI sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm, xuất khẩu có thể tăng 8–10% nhờ yếu tố tỷ giá và nhu cầu từ Mỹ, châu Âu và ASEAN. Các ngành được kỳ vọng hưởng lợi gồm dệt may, gỗ, thủy sản và bất động sản khu công nghiệp.

Thị trường chứng khoán được nhận định có nhiều dư địa tăng trưởng khi định giá đang thấp hơn trung bình 10 năm. PHS kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường tăng 15% trong năm 2025, đưa VN-Index lên vùng 1.300–1.400 điểm trong kịch bản cơ sở, hoặc lên 1.450–1.550 điểm trong kịch bản tích cực. Bên cạnh đó, triển vọng nâng hạng từ FTSE và việc đưa vào vận hành hệ thống KRX cũng là những yếu tố hỗ trợ thị trường.

Thị trường còn dư địa tăng trưởng, VN-Index có thể chạm mốc 1.550 điểm- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên – Trưởng phòng Phân tích PHS

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên – Trưởng phòng Phân tích PHS – nhận định, bức tranh kinh tế quý I chưa phản ánh đầy đủ các tác động từ căng thẳng thương mại. Những biến động từ chính sách thuế của Mỹ tiếp tục là yếu tố rủi ro. Tuy vậy, sự chủ động trong điều hành từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực thích ứng và cạnh tranh.

Bà Liên cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với P/E forward ước tính 11,8 lần – thấp hơn mức trung bình 10 năm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ở chiều thận trọng, các nhà đầu tư vẫn cần lưu ý đến những yếu tố bất định từ bên ngoài. Kết quả thỏa thuận thuế quan với Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Song song, hoạt động cho vay margin diễn ra sôi động có thể là "con dao hai lưỡi". Khi tình trạng call margin diện rộng xảy ra trong những nhịp điều chỉnh mạnh. Có thời điểm nhiều cổ phiếu midcap và penny xảy ra tình trạng trắng bên mua với thanh khoản rất thấp. Dòng tiền bắt đáy lại tập trung chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn. Do đó, các nhà đầu tư nên ưu tiên duy trì vị thế đầu tư dài hạn nhưng hạn chế sử dụng đòn bẩy quá cao trong giai đoạn này.

Thảo Vân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT