Thị xã rộng bằng 10 quận Hà Nội, chiếm 70% diện tích KCN toàn tỉnh công nghiệp phía Bắc, một chỉ tiêu kinh tế dẫn đầu

Sau khi thành lập, đây là thị xã duy nhất ở Bắc Giang hiện nay, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và các xã phường trực thuộc. Từ ngày 1/2/2024, thị xã Việt Yên có quy mô 171 km2, ngang với diện tích 9 quận trung tâm Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), dân số gần 230.000 người.

Sau khi thành lập, thị xã có 9 phường và 8 xã. TAND và VKSND thị xã Việt Yên được thành lập trên cơ sở kế thừa TAND và VKSND huyện Việt Yên.

Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý nâng từ xã và thị trấn lên phường đối với 9 đơn vị hành chính thuộc thị xã Việt Yên gồm: Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu và Tự Lạn.

Một chỉ tiêu kinh tế tăng 231,5%

Là thị xã duy nhất ở Bắc Giang hiện nay, Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với hành lang phát triển kinh tế trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thông thương.

Thị xã duy nhất ở Bắc Giang: Rộng bằng 10 quận Hà Nội, chiếm 70% diện tích KCN toàn tỉnh, một chỉ tiêu kinh tế dẫn đầu  - Ảnh 1.

Một góc thị xã Việt Yên. (Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Giang).

Thị xã có các tuyến huyết mạch đi qua như cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, quốc lộ 17, quốc lộ 37, tuyến đường sắt Bắc Nam. Các tuyến này qua địa bàn ba tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh và Bắc Giang và là những tuyến huyết mạch quan trọng bậc nhất đối với 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, đô thị…

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang và Việt Yên đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Cụ thể, năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 35%, cao nhất trong 10 huyện, thành phố của Bắc Giang và bằng 231,5% cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 37%; ngành nông lâm nghiệp - thủy sản tăng trưởng 2,5%; ngành dịch vụ tăng trưởng 8%. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 97,9%; nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 0,8%; dịch vụ chiếm 1,3%.

Mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2022 là 20,6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 68,4 triệu đồng, gấp 1,22 lần cả nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 đạt 12.000 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bằng 131% so với dự toán tỉnh giao, 113% so với dự toán huyện giao.

Năm 2022, Việt Yên đã thu hút đầu tư 5 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư trong nước (DDI) và 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.932 tỷ đồng và 3,2 triệu USD.

Hiện nay, Việt Yên đã hình thành các hành lang kinh tế với nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn đã đưa huyện Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất của tỉnh Bắc Giang, gồm: Trục Bắc - Nam (dọc Quốc lộ 1A, từ khu công nghiệp Quang Châu đến khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng trên trục này đã và đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn) và trục Đông - Tây (dọc Quốc lộ 37 nối từ khu công nghiệp Đình Trám đến Hiệp Hoà, đây là trục có nhiều tiềm năng phát triển nhất là sau khi hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 37).

Đến nay, trên địa bàn thị xã Việt Yên có 4 khu công nghiệp, gồm: khu công nghiệp Quang Châu, khu công nghiệp Vân Trung, khu công nghiệp Đình Trám, khu công nghiệp Việt Hàn với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt hơn 80%, chiếm khoảng 70% tổng diện tích các khu công nghiệp quy hoạch trên toàn tỉnh. Về phát triển cụm công nghiệp, có cụm công nghiệp Vân Hà, cụm công nghiệp Việt Tiến, cụm công nghiệp Hoàng Mai,… với tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp trên 50%.

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT