Thống đốc lý giải nguyên nhân dừng đấu thầu vàng miếng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng cũng là nhiệm vụ rất thách thức khi phải thực hiện trong điều kiện giá vàng thế giới biến động rất phức tạp.

Thống đốc lý giải nguyên nhân dừng đấu thầu vàng miếng - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Chiều ngày 29/5, phát biểu giải trình tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã báo Quốc hội về diễn biến thị trường vàng trong thời gian qua.

Theo Thông đốc, giá vàng trong nước tăng cao, diễn biến phức tạp là diễn biến chung của các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24 để thu hẹp chênh lệch giá vàng.

"Giá vàng trong nước diễn biến phức tạp và cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là vàng SJC", bà Hồng nói.

Thống đốc cho biết, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng cũng là nhiệm vụ rất thách thức khi phải thực hiện trong điều kiện giá vàng thế giới biến động rất phức tạp.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường. Việc đấu thầu vàng thời gian vừa qua kế thừa theo cách làm của năm 2013 với kỳ vọng tăng cung ra thị trường, từ đó giá sẽ giảm dần.

"Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu cho thấy chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng nên chúng tôi đã dừng đấu thầu và đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, xây dựng phương án mới để bắt đầu triển khai trong tuần tới để giảm chênh lệch giá vàng trong thời gian tới", Thống đốc nói.

Song song với biện pháp kể trên, Thống đốc cũng cho biết NHNN đang triển khai biện pháp nhằm minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng.

"Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành phải phối hợp ở tất cả các khâu để tăng cường minh bạch giao dịch của thị trường", Thống đốc nói thêm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra mọi mặt từ hóa đơn chứng từ, các giao dịch phòng chống rửa tiền liên quan đến giao dịch vàng để thấy rằng những biến động trên thị trường không loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ, đẩy giá...

Nói về các biện pháp bình ổn thị trường vàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, từ tháng 6/2022, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt liên quan thị trường vàng. Thống kê đã có 25 văn bản chỉ đạo, trong đó, có các công cụ can thiệp vào thị trường để bình ổn thị trường vàng, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Theo Phó Thủ tướng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có một số giải pháp nhưng khi can thiệp thấy hiệu quả chưa cao. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại và có phương án mới để bình ổn trong ngắn hạn.

Còn về lâu dài, Phó Thủ tướng nói sẽ nghiên cứu sửa đổi nghị định 24. Trước mắt dùng công cụ thuộc quản lý Nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá thực chất hoạt động thị trường vàng, có giải pháp xử lý theo quy định, đưa thị trường bình ổn, tiến sát thị trường thế giới.

4 ngân hàng quốc doanh sẽ bán vàng bình ổn giá

Trao đổi với truyền thông mới đây, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung-cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

Nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 04 ngân hàng thương mại Nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Song song với biện pháp kể trên, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).


Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT