Thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT
Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, Luật thuế GTGT hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, để thu gọn đối tượng không chịu thuế, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi một số quy định.
Cụ thể, bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ…
Dự thảo Luật sửa đổi quy định mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản vùng khơi, vùng biển và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế GTGT thành đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.
Ngoài ra, Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể tên 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để Luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (nghị định, thông tư) gồm:
Bảo hiểm các công trình, thiết bị dầu khí, tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài do nhà thầu dầu khí, hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thuê để hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thỏa thuận đặt dưới chế độ khai thác chung; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh; vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện đường thủy nội địa; sản phẩm nhân tạo là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người (nội dung quy định tại khoản 24 Điều 5 dự thảo Luật)…
Bộ Tài chính cho biết, với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Như vậy, tại dự thảo Luật đã bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.
Tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam.
Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Do phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm.
Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Bên cạnh đó, không chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước và nông dân cũng đều chịu thiệt. Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được.
Nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, thì nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, góp phần tăng ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón, đặc biệt là nông dân sẽ được mua các sản phẩm phân bón thấp hơn, giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với phương án của Bộ Tài chính để góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% là phù hợp.
Đáng chú ý, Dự thảo Sửa đổi cũng quy định rõ “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để đồng bộ với quy định của Luật Chứng khoán.
Dự thảo luật sửa đổi quy định rõ “Chuyển nhượng vốn bao gồm chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật” và bổ sung quy định chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT “không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản” để đảm bảo căn cứ pháp lý cao hơn và thống nhất trong thực hiện.