Thứ kim loại khiến các nhà sản xuất xe điện phương Tây đổ xô đến châu Phi
Vốn được sử dụng chủ yếu để sản xuất thép, thứ kim loại này đang dần thay thế các khoáng chất đắt tiền và hiếm như coban và niken để ứng dụng trong pin lithium-ion.
Manganese Metal Co (MMC), có trụ sở tại thị trấn Mbombela, là một trong những công ty có tiếng chuyên tinh chế mangan cung cấp cho pin xe điện. Vốn được sử dụng chủ yếu để sản xuất thép, mangan ngày nay dần thay thế các khoáng chất đắt tiền và hiếm như coban và niken để ứng dụng trong pin lithium-ion.
Nam Phi là nước sản xuất quặng mangan số 1 thế giới, song Trung Quốc lại tinh chế hơn 90% mangan cần cho pin xe điện. Sự thống trị làm dấy lên nhiều lo ngại, trong bối cảnh chính phủ phương Tây, bao gồm cả Mỹ, nỗ lực khử cacbon cho hệ thống giao thông và năng lượng.
MMC tiếp nhận quặng được khai thác ở sa mạc Kalahari. Những viên đá đen nhỏ được nghiền thành bột trước khi hòa tan trong axit. Dung dịch mangan tinh khiết sau đó sẽ được đưa vào bể chứa, chiết tách thành thể rắn rồi rửa sạch, sấy khô trước khi đóng gói.
Hiện tại, hơn một nửa lượng mangan tinh chế tại MMC được xuất khẩu sang Nhật Bản. Khoảng một phần ba đến Mỹ và khoảng 10% đến châu Âu. Giám đốc điều hành của MMC, Louis Nel, cho biết rất nhiều nhà sản xuất ô tô và pin của phương Tây đã đến thăm công ty mình trong 2 năm qua.
“Nhiều khách hàng tìm kiếm mangan tinh chế lắm”, ông Nel nói và cho biết MMC đang đàm phán các hợp đồng tiềm năng với một số công ty phương Tây. “Tôi đã ký nhiều thỏa thuận trong 12 tháng qua”.
Đây được coi là bước ngoặt đối với MMC, công ty mà gã khổng lồ khai thác mỏ BHP của Úc quyết định bán sang tay vào năm 2010. Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhu cầu đối với mangan sử dụng trong pin sạc dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần trong 20 năm tới, phần lớn nhờ vào sự thúc đẩy từ phía xe điện.
“Nút thắt cổ chai là ở công suất lọc dầu”, Teboho Sebetlela, giám đốc nghiên cứu thị trường hợp kim tại Wood Mackenzie nói và cho biết khoảng 20 nhà máy lọc mangan mới đang được lên kế hoạch xây dựng. 13 trong số đó sẽ nằm ở bên ngoài Trung Quốc.
Ông Nel kỳ vọng khoảng 26% mangan tinh chế của MMC sẽ được sử dụng cho ngành công nghiệp pin trong năm nay, tăng từ mức 8% vào năm 2015. Phần còn lại sẽ được dùng để sản xuất thép và nhôm đặc biệt.
Vào tháng 7, Stellantis, công ty mẹ của Chrysler, đã đầu tư 15 triệu USD vào Element 25, một công ty khai thác mangan niêm yết tại Australia. Một tháng trước đó, General Motors cũng đồng ý cung cấp cho Element 25 khoản vay trị giá 85 triệu USD để xây dựng nhà máy lọc mangan ở Louisiana.
Kể từ năm 2018, Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm giảm dần sự phụ thuộc. Động thái này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đã làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa, đặc biệt là từ Trung Quốc.
“Chúng tôi đang đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô và liên tục sàng lọc thị trường”, Pia Droldner, người phát ngôn của Mercedes-Benz cho biết.
Các sản phẩm của MMC đắt hơn nhiều so Trung Quốc, song các khách hàng tiềm năng vẫn sẵn sàng chi tiền vì chất lượng ổn định. Bản thân công ty cũng cung cấp nhiều giải pháp riêng biệt phục vụ đa nhu cầu.
MMC tinh chế mangan bằng cách sử dụng sulfur dioxide - hợp chất cần nhiều năng lượng xử lý hơn so với selen dioxide vốn được ưa chuộng tại các nhà máy lọc dầu Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, có nhiều rủi ro về sức khoẻ hơn liên quan đến selen.
Tại Mỹ, mangan của MMC có tính cạnh tranh cao nhờ Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi. Nó cho phép một số sản phẩm như mangan tinh chế tiếp cận thị trường miễn thuế.
MMC đang trong quá trình mở rộng. Khoản đầu tư trị giá 27 triệu USD sẽ cho phép công ty tạo ra 5.000 tấn mangan sunfat có độ tinh khiết cao, bên cạnh 28.000 tấn kim loại mangan nguyên chất 99,9% hiện đang sản xuất.
Các nhà phân tích cho biết mangan sunfat cần ít năng lượng hơn trong quá trình tinh chế, song lại yêu cầu nhiều bước hơn tùy thuộc vào chất lượng quặng. Các nhà sản xuất linh kiện pin sau này có thể hòa tan chúng trong nước thay vì axit sulfuric để bảo vệ môi trường.
Theo: WSJ