Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thu lãi kỷ lục từ hoạt động cho vay, công ty chứng khoán ngày càng mang "dáng dấp" ngân hàng

CafeLand

Xu hướng “ngân hàng hóa” ngành chứng khoán được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ khi nghiệp vụ cho vay ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các công ty chứng khoán.

Thu lãi kỷ lục từ hoạt động cho vay, công ty chứng khoán ngày càng mang

Thị trường chứng khoán khởi sắc trong quý đầu năm, các mảng nghiệp vụ của công ty chứng khoán cũng hoạt động thuận lợi, đặc biệt là cho vay. Theo thống kê, các CTCK thu về tổng cộng 5.200 tỷ đồng lãi từ cho vay và phải thu trong quý 1/2024, tăng hơn 8% so với quý trước và gần gấp rưỡi cùng kỳ 2023. Đây cũng là số lãi kỷ lục trong một quý mà nhóm chứng khoán thu được từ hoạt động cho vay.

photo-1713809506377

Đa phần các CTCK đều ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu trong quý đầu năm tăng so với quý trước và cùng kỳ 2023. Nguồn thu này tại một số CTCK như TCBS, MBS, VPBankS thậm chí còn phá đỉnh trong quý 1/2024. Đáng chú ý nhất là TCBS khi đạt gần 573 tỷ đồng lãi từ hoạt động cho vay, tiếp tục củng cố vị trí số 1 toàn ngành. Đây cũng là số lãi từ cho vay và phải thu lớn nhất trong một quý mà một CTCK từng đạt được từ trước đến nay.

Trong bối cảnh mảng tự doanh biến động thất thường theo thị trường, môi giới khó bứt phá do cạnh tranh gay gắt, nghiệp vụ cho vay đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các CTCK. Nguồn thu từ mảng này thường chiếm khoảng 25-40% doanh thu hoạt động, thậm chí là mảng đóng góp lớn nhất tại một số CTCK. Về lợi nhuận, lãi từ cho vay và phải thu đóng góp đến 66% tổng lãi trước thuế của các CTCK trong quý đầu năm.

photo-1713809520859

Các CTCK bội thu từ hoạt động cho vay nhờ nhu cầu sử dụng đòn bẩy margin tăng rất mạnh trong quý đầu năm. Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các CTCK vào thời điểm cuối quý 1/2024 ước tính tăng 26.000 tỷ so với cuối năm 2023, đạt khoảng 206.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 195.000 tỷ đồng, tăng 23.000 tỷ so với cuối năm 2023 và cũng là con số kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, vượt cả giai đoạn quý 1/2022 khi VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm.

photo-1713809536397

Nhìn chung, hầu hết CTCK đều ghi nhận dư nợ cho vay tăng trong quý đầu năm 2024. Trong top đầu chỉ có duy nhất VNDirect có dư nợ giảm so với thời điểm cuối năm ngoái nhưng mức giảm không lớn. Ngược lại, nhiều CTCK có dư nợ tăng hàng nghìn tỷ như TCBS, SSI, Mirae Asset, HSC, VPBankS, KIS, VCBS, BSC,… Có thể thấy, dư nợ tăng mạnh chủ yếu tập trung vào nhóm CTCK có ngân hàng hậu thuẫn.

Xu hướng "ngân hàng hóa" CTCK được dự báo sẽ ngày càng phát triển khi doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ kênh tín dụng ngân hàng, trái phiếu. Trong khi đó, thủ tục cầm cố, thế chấp tài sản là cổ phiếu để vay các CTCK lại đơn giản và linh hoạt hơn nhiều. Điều này đem lại lợi ích cho cả 3 bên (1) doanh nghiệp có thể giải quyết các nhu cầu cấp bách về vốn; (2) CTCK tăng quy mô cho vay nhanh chóng, đem lại nguồn thu lớn; (3) Ngân hàng giải quyết một phần tình trạng thừa vốn khi tăng trưởng tín dụng hạn chế.

photo-1713809564439

Theo ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ margin/vốn hóa của TTCK Việt Nam so với các thị trường khác hiện đang rất cao, tuy nhiên điểm khác biệt là dư nợ cho vay trên thị trường từ lâu còn được xem là kênh thay thế một phần cho kênh ngân hàng, nhằm phục vụ các cổ đông lớn vay vốn thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán.

Do đó, đà tăng dư nợ cho vay tại nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm một phần, còn lại sẽ đến từ các tổ chức, tay to trên thị trường. Chuyên gia cho rằng bối cảnh hiện tại chưa cho thấy rủi ro lớn tác động với nhóm các nhà đầu tư trên và cần theo dõi thêm các yếu tố quốc tế và trong nước.

Nhiều gói ưu đãi lãi suất được tung ra

Lãi suất là một trong những yếu tố thúc đẩy dư nợ margin tăng mạnh trong quý vừa qua. Từ đầu năm 2024, nhiều CTCK đã đưa ra các chương trình giảm lãi vay margin nhằm kích cầu đòn bẩy của nhà đầu tư. Điển hình như Chứng khoán DNSE cho vay margin với lãi suất từ 5,99% áp dụng với một số mã chứng khoán; Yuanta có nhiều gói lãi suất ở mức 8-9%; Mirae Asset cũng đưa ra gói lãi suất cho vay margin thấp nhất 7,99%...

SSI cũng đang áp dụng chương trình hạ lãi margin từ 7,99% cho khách hàng từ 4/3 đến 30/6. Theo đó, khách hàng có dư nợ tăng thêm trên 3 tỷ đồng so với mốc dư nợ tại cuối ngày 31/1 sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay margin giảm 1% so với lãi suất hiện tại. Đối với khoản dư nợ tăng thêm trên 10 tỷ đồng sẽ được giảm 2% so với lãi suất, trong khi lãi suất cho vay hiện hành của SSI là 13,5% một năm.

Nhìn chung, nếu không có các chương trình ưu đãi, mặt bằng lãi suất margin tại nhiều CTCK vẫn khá cao, dao động trong khoảng 13-15% cho các khoản vay có thời hạn một năm, như VNDirect (13,8%), VPS (14%), SHS (14,5%),… Tuy nhiên, với việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, mặt bằng lãi suất cho vay margin được kỳ vọng sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Cùng với các chương trình ưu đãi lãi suất margin, nhiều CTCK còn triển khai chính sách "zero fee" để khuyến khích nhà đầu tư giao dịch. Cuộc đua miễn phí, giảm lãi suất margin giữa các CTCK nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mở tài khoản, tăng giao dịch để cạnh tranh thị phần. Hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này đương nhiên là các nhà đầu tư.

Theo báo cáo chiến lược của SSI Research, bộ phận phân tích này nhận định rằng lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính thu hút dòng tiền mới của nhà đầu tư, đặc biệt đối với cá nhân. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác khá hạn chế, dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Hà Linh

Hà Linh