Thu nhập càng cao, càng ít mua vàng: Người giàu Việt đang đầu tư vào đâu?
Người thu nhập càng cao, danh mục đầu tư càng đa dạng và phức tạp. Nhóm thu nhập thấp có xu hướng lựa chọn các kênh an toàn, dễ hiểu như tiết kiệm, vàng và bất động sản, theo khảo sát của Thiên Việt Asset Management.
Khảo sát của Thiên Việt Asset Management thực hiện với trên 500 người cho thấy, hành vi đầu tư của các nhóm thu nhập cá nhân có sự khác biệt rõ rệt theo mức thu nhập. Dữ liệu được thể hiện qua hai biểu đồ về tỷ lệ lựa chọn kênh đầu tư và tỷ trọng phân bổ tài sản.
Với biểu đồ thứ nhất "Kênh đầu tư phổ biến theo phân khúc thu nhập cá nhân", kết quả cho thấy phần lớn người được khảo sát, bất kể thu nhập cao hay thấp, vẫn ưu tiên gửi tiết kiệm. Tỷ lệ này gần như tuyệt đối ở hai nhóm thu nhập dưới 500 triệu đồng/năm (99% và 100%), và chỉ giảm nhẹ ở nhóm cao nhất – những người có thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm (97%).
Ngoài gửi tiết kiệm, vàng và bất động sản là hai kênh đầu tư được ưa chuộng tiếp theo. Nhóm thu nhập từ 300–500 triệu đồng/năm có xu hướng lựa chọn vàng nhiều nhất (75%). Trong khi, nhóm từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm lại thể hiện sự quan tâm rõ hơn đến bất động sản (55%).
Tuy nhiên, khi thu nhập tăng, các kênh đầu tư đơn giản như vàng và bất động sản bắt đầu giảm dần tỷ trọng. Thay vào đó, các kênh đầu tư phức tạp như cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ dần được ưu tiên hơn. Điều này thể hiện rõ ở nhóm thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, khi tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu đều đạt 51% và 30%, chứng chỉ quỹ là 19%.
Bên cạnh đó, biểu đồ "Phân bổ tài sản theo phân khúc thu nhập cá nhân" tiếp tục củng cố xu hướng trên. Nhóm thu nhập thấp (100–300 triệu đồng/năm) có danh mục đầu tư tập trung cao vào gửi tiết kiệm (59%) và vàng (22%), trong khi các kênh khác chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tỷ lệ phân bổ vào gửi tiết kiệm giảm dần theo thu nhập: từ 59% ở nhóm thấp nhất xuống còn 34% ở nhóm cao nhất.
Ngược lại, các kênh như cổ phiếu, góp vốn doanh nghiệp và đầu tư phái sinh lại tăng tỷ trọng khi thu nhập cao hơn. Tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu tăng mạnh từ 4% (nhóm thu nhập thấp) lên 23% (thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm). Góp vốn doanh nghiệp và phái sinh chỉ xuất hiện ở nhóm thu nhập cao nhất với tỷ lệ lần lượt là 9% và 2%.
Từ đó, có thể thấy, người thu nhập càng cao, danh mục đầu tư càng đa dạng và phức tạp. Nhóm thu nhập thấp có xu hướng lựa chọn các kênh an toàn, dễ hiểu như tiết kiệm, vàng và bất động sản.
Ngược lại, những người có thu nhập cao hơn không chỉ đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu và trái phiếu, mà còn quan tâm đến các sản phẩm tài chính chuyên sâu như chứng chỉ quỹ, góp vốn doanh nghiệp và công cụ phái sinh.
Xu hướng này phản ánh nhu cầu ngày càng lớn đối với các dịch vụ tài chính cá nhân hóa, đặc biệt ở phân khúc khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh. Họ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, mà còn cần tư vấn chiến lược, phân bổ tài sản hiệu quả theo từng mục tiêu cụ thể trong hành trình tích lũy và tăng trưởng tài sản bền vững.
Thảo Vân