Thủ phủ công nghiệp miền Trung muốn lên thành phố vào năm 2050: Tình hình kinh tế ra sao?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ phủ công nghiệp miền Trung muốn lên thành phố vào năm 2050: Tình hình kinh tế ra sao? - Ảnh 1.

Theo quy hoạch được phê duyệt, tỉnh Quảng Nam định hướng quan điểm chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Kết hợp giữa nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dược liệu; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội và giảm nghèo; đẩy mạnh tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, bền bỉ của con người Xứ Quảng.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Là địa phương có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Tình hình kinh tế Quảng Nam năm 2023

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam giảm tốc do ngành công nghiệp - trụ cột của tỉnh - gặp nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 24%; thị trường tiêu thụ ô tô giảm mạnh. 

Tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại tỉnh Quảng Nam năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2022, trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm ngoái.

Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 dự kiến đạt gần 24 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, tỉnh Quảng Nam thực hiện đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra, 3 chỉ tiêu không đạt.

Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định, năm 2024, Quảng Nam sẽ tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là hoàn thành quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển KT-XH nhanh, bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tháo gỡ bất cập về nguồn vật liệu xây dựng, san lấp; đẩy nhanh tiến độ GPMB và đầu tư hạ tầng các KCN, CCN để tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và triển khai các Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển vùng Tây…

Chỉ tiêu cụ thể để phát triển kinh tế Quảng Nam trong năm 2024 là, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng 7,5-8%; tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP trên 30%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 20.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, 2024 phấn đấu giảm 2.900 hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%); số lao động có việc làm mới tăng thêm 16.000 người; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,2%.

Bên cạnh đó, Quảng Nam còn đưa ra giải pháp là, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi về hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn thu trong năm 2024.

Nhã Mi

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT