Thủ phủ công nghiệp phía Nam như 'hổ mọc thêm cánh' khi sắp khởi động loạt đường cao tốc, vành đai 45.000 tỷ đồng

Năm 2024, tỉnh giàu có, đông dân bậc nhất cả nước này sẽ chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án giao thông quy mô gần 45.000 tỷ đồng.

Thủ phủ công nghiệp phía Nam như

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, trong tháng 1/2024, tỉnh tiếp tục thực hiện các công trình chuyển tiếp của năm 2023 như: Dự án thành phần 6 - bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương; cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương; hệ thống thu gom nước thải Khu Quy hoạch Định Hòa; nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt - Sông Đồng Nai; nâng cấp, mở rộng đường ĐT 746, ĐT 748, ĐT 747A; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2); xây dựng đường dẫn vào cầu vượt sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2); Trường Tiểu học An Phú 2; nâng cấp trung tâm y tế huyện Phú Giáo; trung tâm hành chính huyện Bắc Tân Uyên; trung tâm thể dục thể thao huyện Dĩ An (B).

Bên cạnh đó, Bình Dương chuẩn bị triển khai một số công trình mới trong năm 2024 theo kế hoạch. 

Giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Với dự án này, đoạn qua tỉnh Bình Dương có điểm đầu tại đường Vành đai 3 (thuộc địa phận TP Thuận An), điểm cuối tại ranh giới Bình Dương và Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án). Tổng chiều dài trên 45,6 km. Quy mô đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, công trình giao thông cấp 1.

Về hướng tuyến, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành xuất phát từ đường Vành đai 3 – TP HCM đi trùng với đường ĐT.743, ĐT.747 đến trước cầu Khánh Vân (phường Khánh Bình, TP Tân Uyên). Sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men Suối Cái và song song với đường ĐH.409 (thuộc TP Tân Uyên).

Sau đó, cao tốc sẽ giao cắt đường ĐT.747A tại Cổng Xanh (TT.Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên), đi song song và giao cắt với ĐT.741, cắt đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, lên xã An Long (huyện Phú Giáo) đến ranh tỉnh Bình Phước (thuộc huyện Bàu Bàng, Bình Dương).

Dự kiến thời gian chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và thi công từ năm 2023 – 2027. Diện tích đất sử dụng khoảng 322,5 ha. Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được thực hiện theo loại hợp đồng dự án PPP: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Tổng mức đầu tư của dự án trên 17.408 tỷ đồng. Trong đó, vốn tham gia của Nhà nước khoảng 8.530 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách TW và địa phương (bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng…). Vốn huy động từ nhà đầu tư trên 8.878 tỷ đồng (trong đó 70% vốn vay từ ngân hàng).

Đường trục chính Đông Tây

Trục chính Đông Tây là đường huyết mạch, được kết nối từ TP Dĩ An đến làng Đại học Quốc gia TP HCM. Đây cũng là giao lộ giúp kết nối từ quận 9, Thủ Đức qua TP Dĩ An. Chiều dài tuyến khoảng 3km, qua 3 địa bàn phường Đông Hòa, phường Bình An và phường Bình Thắng; nối Quốc lộ 1K và 1A. Tổng vốn đầu tư trên 729 tỷ đồng.

Ngày 26/7/2023, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành nghị quyết điều chỉnh quy mô đầu tư Dự án Đường trục chính Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 1A (Bến xe Miền Đông mới) đến giáp đường Quốc lộ 1K, bổ sung đoạn vuốt nối từ phạm vi cuối dự án (ranh giữa Dự án Đường trục chính Đông Tây và Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2) đến mặt đường hiện hữu Xa lộ Hà Nội; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng, biển báo…từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến năm 2025.

Thủ phủ công nghiệp phía Nam như

Giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn

Đường vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 48 km, tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Bình Dương đã thông báo dự kiến khởi công tuyến đường này vào năm 2024. 

Dự án gồm hai dự án thành phần (giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp), theo phương thức PPP; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026. Địa điểm thực hiện dự án qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên, TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát.

Dự kiến hướng tuyến, quy mô, điểm đầu tuyến tại vị trí vuốt nối đường vành đai 4 TP HCM với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên. Điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX Bến Cát.

Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; công trình giao thông cấp I.

Xây dựng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ rạch Bà Lụa đến cảng An Sơn, đường ven sông Sài Gòn giai đoạn 3 

Theo quy hoạch đô thị Thuận An, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa (TP Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình (giáp TP HCM), tổng chiều dài toàn tuyến trên 13km. Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua địa bàn là một trong những dự án lớn do TP Thuận An thực hiện. 

Đoạn từ rạch Bình Nhâm đến giáp cảng An Sơn (thuộc phường Bình Nhâm và xã An Sơn) có chiều dài tuyến 2,2km. Đoạn này có tổng mức đầu tư dự kiến 1.463,85 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 159,66 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 949,32 tỷ đồng. Dự kiến thực hiện dự án trong giai đoạn 2026-2030.

Đoạn thứ 2, từ cảng An Sơn đến rạch Bà Lụa (thuộc xã An Sơn) có chiều dài tuyến 2,1km. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.389,17 tỷ đồng.

Đoạn thứ 3 từ đường Gia Long đến đường Vĩnh Phú 40 (thuộc phường Lái Thiêu và phường Vĩnh Phú) có chiều dài 1,8km. Dự kiến tổng mức đầu tư 1.483,68 tỷ đồng.

Đoạn từ đường Vĩnh Phú 40 đến giáp cầu Vĩnh Bình (thuộc phường Vĩnh Phú) có chiều dài 3,9km. Dự kiến tổng mức đầu tư 1.693,61 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải tỏa 950 tỷ đồng; chi phí xây dựng 333,04 tỷ đồng.

Nâng cấp mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần

Dự án nút giao Sóng Thần và nâng cấp đường An Bình kết nối TP HCM với tổng kinh phí hơn 5.300 tỷ đồng dự kiến được đầu tư nhằm giảm kẹt xe ở cửa ngõ Bình Dương.

Nút giao Sóng Thần dạng cầu vượt qua đường sắt và kết nối đại lộ Độc Lập qua đường An Bình. Tại đây sẽ có đường nhánh kết nối với quốc lộ 1A hướng cầu vượt Sóng Thần và Linh Xuân.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, riêng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 2.400 tỷ đồng (Bình Dương chi hơn 1.900 tỷ đồng, số còn lại do TP HCM chi). Để thực hiện dự án, có khoảng 144 hộ dân bị ảnh hưởng. 

Còn dự án nâng cấp mở rộng đường An Bình dài gần 1,4 km, từ cầu vượt Sóng Thần (TP Dĩ An, Bình Dương) và kết thúc ở đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TP HCM) với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, phần đường thuộc tỉnh Bình Dương dài gần 1,1 km, kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 170.

Theo Niên giám thống kê năm 2022, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, trung bình 8,07 triệu đồng mỗi tháng, gần gấp đôi bình quân cả nước. Tỉnh này cũng có tỷ lệ tăng dân số là 6,41%, nhiều nhất cả nước. Bình Dương là tỉnh có dân số tăng nhiều nhất giai đoạn 2017 - 2021.

Ngoài việc là tỉnh công nghiệp với mức tăng dân số cao nhất cả nước, mật độ dân số tại Bình Dương đạt 1.025 người/km2, đứng thứ 7 cả nước sau TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương và Nam Đinh.

Bình Dương được xem là "thủ phủ công nghiệp" của vùng Đông Nam Bộ nên rất cần phát triển hạ tầng, nhất là giao thông giúp chuyên chở nhanh hàng hóa tới cảng.


Nhật Minh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT