Thủ tướng họp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 6/3.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 1600 gửi các bộ ngành về việc tổ chức hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 6/3 tới tại Hà Nội, trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước.

Mục tiêu hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và thực hiện hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có báo cáo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội; đề xuất mời các doanh nghiệp lớn về bất động sản để tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và thực hiện đề án trên.

Thủ tướng họp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có báo cáo về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; báo cáo về giải ngân nguồn vốn 120.000 tỷ đồng cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; NHNN cũng được Thủ tướng yêu cầu báo cáo về đề xuất cho người trẻ dưới 35 tuổi được vay ưu đãi dài hạn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường có báo cáo về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án liên quan đến pháp luật về đất đai như xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất...

Bộ Tài chính báo cáo ảnh hưởng của chính sách thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đấu thầu…

Trước đó, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 8 nhiệm vụ cho ngành ngân hàng, trong đó có yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống.

Tương tự, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đề xuất NHNN xem xét xây dựng cơ chế cho người trẻ (18 - 45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý (khoảng 6 - 7%/năm được bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó) trong thời hạn 10 -15 năm.

Thực tế, giá nhà hiện vượt quá khả năng tài chính của số đông người trẻ. Báo cáo mới đây của HoREA chỉ ra, giá nhà tăng liên tục trong các năm qua cho đến nay vẫn neo ở mức giá rất cao. Chẳng hạn như giá căn hộ cao cấp năm 2024 lên đến 90 triệu đồng/m2, bình quân khoảng 9,7 tỷ đồng/căn. Đáng nói, đây là giá sơ cấp khi phê duyệt dự án, chưa phải là giá bán ra.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng trước thềm hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2021 đến nay, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành đầu tư 103 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 66.755 căn hộ.

Riêng trong năm 2024 cả nước hoàn thành xây dựng 28 dự án, quy mô xây dựng 21.874 căn hộ, tăng 58% so với năm 2023.

Những địa phương có số căn nhà ở xã hội hoàn thành cao hơn mục tiêu trong Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ của Chính phủ tính đến đầu năm 2025, gồm: Khánh Hòa 3.364 căn, An Giang 1.809 căn, Bình Định 4.427 căn, Hà Nội11.334 căn, Bắc Ninh 7.020 căn.

Đáng chú ý một số địa phương có số lượng nhà ở xã hội hoàn thành thấp hơn nhiều so với mục tiêu trong đề án như: TPHCM 2.745 căn, Bình Phước 350 căn, Bình Dương 2.045 căn, Quảng Ninh 412 căn.

Hà Ly (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT