Thủ tướng yêu cầu NHNN xử lý nghiêm trường hợp buôn lậu, 'thổi' giá vàng

Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN khắc phục ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao; thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chỉ đạo, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước.

Chỉ thị nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng.

thu-tuong-yeu-cau-nhnn-xu-ly-nghiem-truong-hop-buon-lau-thoi-gia-vang-1713760543.jpg
Ảnh minh họa

NHNN tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, khả thi, kịp thời; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng bắt buộc và phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 diễn ra ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng. Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi, đồng thời, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế.

Thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, chiều ngày 19/4, NHNN đã thông báo rộng rãi việc đấu thầu bán vàng miếng trên trang thông tin điện tử của NHNN và thông báo trực tiếp đến 15 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để tham giá đấu thầu vàng. Dự kiến thời gian tổ chức đấu thầu vào 10 giờ sáng ngày thứ Hai, 22/4.

Tuy nhiên, do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên NHNN đã hủy thông báo đấu thầu này.

Để tiếp tục thực hiện quyết liệt giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào 10 giờ sáng thứ Ba, ngày 23/4, và đã thông báo rộng rãi đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để đăng ký dự thầu và đặt cọc ngay trong ngày thứ Hai.

Về chính sách quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, trình Chính phủ chủ trương nên sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt tập trung vào vấn đề Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.

Cũng tại Chỉ thị số 12, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Phát triển thị trường trong nước, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch. Tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế…

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT